top-banner-2

Thứ năm, 02/05/2013, 09:31 GMT+7

Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi : Luật không chỉ nằm trên giấy

Thứ năm, 02/05/2013, 09:31 GMT+7
Nâng cao trách nhiệm của DN trong vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) là một nội dung thể hiện khá rõ trong Dự thảo Luật BVMT sửa đổi. Nhiều DN đồng tình quan điểm này với ban soạn thảo. Tuy nhiên, các DN cho rằng, luật cần sát thực tế hơn và phải đảm bảo tính khả thi.

Một điểm mới khác của dự thảo luật là các cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ
phải lập báo cáo về công tác bảo vệ môi trường

Mặc dù, đã có khá nhiều DN bị xử lí rất nặng vì đã vi phạm pháp luật về BVMT, nhưng theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện vẫn còn khoảng 70% nước thải của các khu công nghiệp chưa qua xử lí bị xả thẳng ra môi trường. Hầu hết các chất thải rắn chưa được phân loại để xử lí.

DN đồng tình xử lí nặng hơn

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật BVMT, nhiều DN đồng tình với việc phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa đối với các DN trong vấn đề bảo vệ môi trường. LS Trần Thị Hương Trang – GĐ Cty Luật Legal Associates Hà Nội nhận xét, trách nhiệm BVMT của DN trong dự thảo đã được quy định nhiều hơn, chặt chẽ hơn. Ví dụ không chỉ lĩnh vực khoáng sản và khai thác tài nguyên mà các dự án sản xuất kinh doanh có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm cũng phải kí quỹ cải tạo và phục hồi môi trường.

Một điểm mới khác của dự thảo luật là các cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ phải lập báo cáo về công tác BVMT. Các tập đoàn TCty phải báo cáo tình hình tác động môi trường hàng năm. Tuy nhiên, ông Trần Miên – Tập đoàn Than Khoáng sản cho biết, việc này đã được Tập đoàn tiến hành từ nhiều năm nay. Ông Miên cho rằng, dự thảo luật chỉ quy định một số vi phạm phải xử lí hành chính là chưa đủ, phải tăng nặng hình phạt để đảm bảo tính răn đe.

Ông Dương Thanh An – Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế (Tổng cục Môi trường) cho biết, dự thảo luật cũng mở rộng việc thực hiện dân chủ cơ sở về BVMT như các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BVMT được quyền cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về BVMT, quyền được tham gia kiểm tra và đối thoại về BVMT… Các DN và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm bảo đảm quyền này.

Tuy nhiên, ngoài phần trách nhiệm của DN, trách nhiệm quản lí nhà nước cũng là vấn đề được nhiều DN quan tâm. Ông Vũ Ngọc Bảo – Hiệp hội Giấy và bột giấy VN nói, theo báo cáo của Bộ TN-MT, chất lượng nước tại sông Đồng Nai, sông Cầu, sông Nhuệ và sông Đáy đã bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai ? Từ Chính phủ đến các cơ quan quản lí chuyên ngành đều có những quy định thiếu tính khả thi để cuối cùng môi trường ô nhiễm lại đổ hết lên đầu DN và người dân là không hợp lí. Ông Bảo đưa ra ví dụ : quy định tiêu chuẩn nước được phép xả thải của VN còn cao hơn cả Châu Âu và Nhật Bản. Nhưng cuối cùng DN không thực hiện được, các nguồn nước và sông, hồ thì ô nhiễm trầm trọng, thậm chí có nhiều con sông chết, hồ chết. Nếu quy trách nhiệm để xử phạt thì đổ vào đầu ai ?

Luật cần sát thực tế

Từ luật đến các văn bản hướng dẫn phải rõ ràng, buộc các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cũng phải công khai minh bạch công tác BVMT. Cũng theo ông Bảo, dự thảo Luật thì quy định các DN phải có kế hoạch trong việc BVMT. Vậy các địa phương cũng phải công khai quy hoạch về xả thải. DN muốn mở rộng sản xuất đều phải mò mẫm tìm đường xả thải. Bên cạnh đó, dự thảo luật ghi chung chung khuyến khích BVMT thì cũng phải thể hiện khuyến khích ở những chính sách nào, lĩnh vực nào... Cả bản dự thảo không thể hiện điểm nào cụ thể khuyến khích BVMT.

Ông Nguyễn Tiến Nghị - Tổng thư kí Hiệp hội Thép VN cho biết, hiện VN mỗi năm phải nhập khoảng 3,5 triệu tấn phế liệu để luyện thép. Các quy định buộc phải xác định xuất xứ hay nguồn gốc phế liệu cũng như quan lí chặt nhập phế liệu hiện nay không phát huy hiệu quả đối với công tác quản lí môi trường. Ví dụ như buộc các lô hàng phải có sự giám sát của chính quyền địa phương khi dỡ khỏi container. Điều này chỉ phát sinh tiêu cực và tạo giấy phép con.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Tuấn – GĐ Cty TNHH Khoa học công nghệ và Bảo vệ môi trường nói, quá nhiều giấy phép con được lập ra trong dự thảo ví dụ như Giấy phép hành nghề xử lí, tiêu huỷ chất thải nguy hại, Chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường… Nên chăng, Ban soạn thảo có thể gộp tất cả các loại giấy phép thành một để thuận lợi cho DN.

Ông Tuấn còn đưa ra một thực tế về báo cáo tác động môi trường. Đây là điều kiện bắt buộc của các dự án khi triển khai. Tuy nhiên, những giấy phép này hoàn toàn mang tính hình thức. DN thường khoán trắng cho đơn vị tư vấn với một mức phí nhất định và hầu như kiểu gì cũng qua cửa này. Có những báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án sản xuất đường được coppy sang lĩnh vực xi măng mà vẫn “trôi”. Chủ đầu tư đã bị mặc định một mức phí cho báo cáo này. Thậm chí một số lĩnh vực, chủ đầu tư có thể xây dựng lò đốt chất thải rắn còn rẻ hơn phí làm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhưng để dự án được đi vào sản xuất, DN vẫn lựa chọn đầu tư cho báo cáo hơn là đầu tư cho lò đốt chất thải.

Mặc dù theo ban soạn thảo, mục tiêu của dự thảo luật là hài hoà giữa khả năng tài chính cũng tiết kiệm chi phí cho DN nhưng vẫn phải bảo đảm yêu cầu về BVMT. Tuy nhiên, DN vẫn kêu trời về phần thủ tục. Ông Nguyễn Duy Bích – Cty Panasonic VN bức xúc, đến cả Bộ Tài chính cũng ra thông tư về quản lí môi trường. Mới đây Bộ Tài chính đã có Thông tư về việc thủ tục hải quan đối với hàng tạm nhập tái xuất phải có giấy phép về xử lí chất thải. Thực tế, DN đã làm thủ tục này tại Sở TN-MT và chỉ mất 3 ngày. Nhưng từ khi có thông tư của Bộ Tài chính, DN phải làm lại thủ tục trên tại Hải quan mất thêm 45 ngày, cùng một cán bộ ăn chực nằm chờ tại Hải quan cả tháng. Ông Bích đề nghị, cơ quan soạn thảo cần quy định tập trung về một đầu mối quản lí môi trường, không thể nay thêm Bộ Tài chính, mai thêm Bộ KH-ĐT thì DN “chết”.

Ông Lê Kế Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ, chính ông cũng chưa đồng tình với nhiều điểm trong dự thảo Luật BVMT sửa đổi. Dự thảo còn tiếp tục được lấy ý kiến và hoàn thiện để trình Quốc hội. Dự kiến giữa năm 2014 mới thông qua. Do đó, các DN vẫn còn nhiều cơ hội để đóng góp ý kiến.

Tuy nhiên, LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC) đề nghị, Ban soạn thảo nên có những phản hồi cho DN. Ý kiến nào được chấp nhận, ý kiến nào không chấp nhận cũng phải nêu rõ lí do trên mạng vibonline.com.vn.

Theo dddn.com.vn

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi : Luật không chỉ nằm trên giấy

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc