top-banner-2

Thứ năm, 27/12/2012, 14:40 GMT+7

Lý Ngọc Minh - Minh Long

Thứ năm, 27/12/2012, 14:40 GMT+7

Tháng 4/2008, công ty gốm sứ cao cấp Minh Long 1 (Bình Dương) đã lọt vào danh sách 30 doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được trao biểu trưng “Thương hiệu Quốc gia”.

Đây là chương trình duy nhất do Chính phủ Việt Nam tiến hành nhằm quảng bá thương hiệu quốc gia, với mục tiêu là xây dựng hình ảnh Việt Nam thành một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú về chất lượng. Ngắm nhìn những bộ sưu tập sản phẩm gốm sứ với nhiều phong cách tương phản, vừa u mặc quyến rũ, vừa tươi tắn trẻ trung trong “giang sơn gốm sứ” của Minh Long 1 mới thấy hết tài năng và sự thăng hoa của người thợ gốm.

Cho đến nay có thể nói sản phẩm của Minh Long 1 đã chinh phục được cả những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... Thành công này có được phần lớn là nhờ vào sự tìm tòi sáng tạo, năng động và những nỗ lực không biết mệt mỏi của người “chèo lái” con thuyền Gốm sứ Minh Long. Người đó là ông Lý Ngọc Minh, Giám đốc Minh Long 1. “Với tôi gốm sứ là niềm đam mê trọn đời”, ông Minh từng nhiều lần khẳng định.

Từ niềm đam mê Ngay từ khi 12-13 tuổi, chàng trai trẻ Ngọc Minh đã nhận ra những đồ gốm sứ của quê mình còn thô kệch so với các sản phẩm của Trung Quốc, Nhật Bản... nên đã nuôi ý tưởng sẽ làm cuộc cách mạng thay đổi vị trí của gốm sứ Việt Nam.

Năm 1968, phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình, ông Minh đã cùng bạn bè và người thân gom tiền mở xưởng tìm men màu mới để tạo ra những sản phẩm gốm mang bản sắc riêng. Ngay khi đó ông đã nhận thức: “Để thoát khỏi đói nghèo, phải làm ra sản phẩm có chất lượng ngày càng cao”.

Năm 1995, khi bắt đầu sản xuất đồ sứ bàn ăn cao cấp cũng là lúc ông Minh vào cuộc tìm kiếm hình hài đặc trưng cho sản phẩm. Ông đã đến các nước châu Âu, rồi đếnTrung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, những nơi được xem là cội nguồn của gốm sứ để tìm những ý tưởng và công nghệ mới. Không mỏi mệt học hỏi từ những hội chợ gốm sứ lớn trên thế giới, tham quan những công trình kiến trúc nổi tiếng ở Ý, Pháp..., ông Lý Ngọc Minh còn đi vào từng siêu thị, nhà hàng quan sát để hiểu thị hiếu của khách hàng. Sau 5 năm học hỏi, ông đã nắm được kỹ thuật, công nghệ làm sứ gia dụng hiện đại. Nhưng những nơi ông đã đi qua, những sản phẩm ông thấy vẫn chưa làm ông thoả chí. “Tôi muốn sản phẩm của mình phải mang nét hoài cổ, đậm chất Việt Nam nhưng vẫn hiện đại, mang tầm quốc tế”, ông chia sẻ.

Nguyên tắc “Bốn không - Bốn có”  Nói về những giá trị cốt lõi của Minh Long 1, ông Lý Ngọc Minh cho rằng: “Điều tôi tâm huyết là tạo nên những sản phẩm gốm sứ vừa có kỹ thuật cao, vừa mang tính nghệ thuật, đủ sức cạnh tranh với những nền gốm sứ nổi tiếng thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức...”. Điều mà ông Minh trăn trở nhiều nhất là ngoài kỹ thuật cao ra, các sản phẩm gốm sứ của mình phải mang được chất tinh tú và phải toát lên được “hồn” Việt.

Do vậy, cũng không ngạc nhiên khi ông chọn slogan cho các sản phẩm của mình là: “Tinh hoa từ đất, tinh xảo từ người”, hay “Hồn Việt trong mỗi nếp nhà”. Đây chính là nguồn cảm xúc bất tận trong ông. “Những chiếc lu mà tôi đã từng gánh nước đến chai cả vai, giúp tôi tạo ra những vật phẩm mang hồn Việt Nam, khiến cho ai xa quê cũng thấy nhớ nhà”, ông Minh bộc bạch.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng nếu chỉ dựa vào đam mê thì vẫn chưa đủ. Sở dĩ Minh Long 1 trở thành một thương hiệu nổi tiếng như ngày nay, theo ông, là còn nhờ vào việc kiên định thực hiện nguyên tắc “Bốn không - Bốn có”. “Bốn không” ở đây là: không biên giới, không thời gian, không giới tính, không tuổi tác. Không có biên giới bởi những sản phẩm đậm chất văn hoá Việt Nam, nhưng người nước ngoài vẫn đồng cảm, thích thú.

Trong từng sản phẩm mẫu mã hoa văn tinh xảo, sang trọng những vẫn gần gũi để phù hợp với mọi đối tượng, lứa tuổi nên chúng không phân biệt tuổi tác, giới tính.

Những điều đó sẽ giúp sản phẩm trường tồn cùng thời gian. “Bốn không” cũng chính là cơ sở cho “Bốn có”, đó là: có văn hoá, có nghệ thuật, có phong cách riêng, và quan trọng nhất là có hồn. “Sản phẩm có hồn, sẽ tự biết nói”, ông Ngọc Minh lý giải. Và mong muốn tiếp tục chinh phục.

Sau giải phóng, với bao khó khăn khi trở lại nghề gốm sứ, nhưng bước đột phá của Minh Long thời đó là những bộ đồ trà vẽ theo phong cách thủy mặc đã được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng. Tiếp đến những năm 90 của thế kỷ trước, những lô hàng con giống nhỏ đã mang lại doanh thu đáng kể cho công ty với mức tăng trưởng trên 10%/năm.

Năm 1998 – 1999, Minh Long 1 lại thành công vang dội trên thị trường Pháp, Đức. Có tiềm lực nhờ xuất khẩu, ông Lý Ngọc Minh quyết định sẽ vực dậy ngành gốm sứ Việt Nam đang mai một dần trong bối cảnh hàng ngoại giá rẻ tràn ngập. Lại một phen sống chết với kỹ thuật để nghiên cứu cho ra màu men thích hợp nhất với từng sản phẩm. Ông Minh thổ lộ: “Làm ra một chất men đẹp mất vài ba năm, rồi vài ba năm nữa để nâng thành đẳng cấp quốc tế. Để làm được những công việc như thế có khi phải nhờ kinh nghiệm tích lũy cả đời người. Nhưng tôi vẫn đang theo đuổi màu men chưa ai làm được dù biết điều này nhiều khi còn phải nhờ vào số trời”.

Nhưng không chỉ đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm mang tính mỹ thuật mà Minh Long I còn là những sản phẩm an toàn cho sức khoẻ người sử dụng. Hiện Minh Long 1 vẫn tiếp tục hướng tới những thị trường khó tính với chiến lược đẳng cấp hàng hiệu. Còn riêng ông Ngọc Minh vẫn tin rằng khi đời sống người dân khá lên, sản phẩm Minh Long I sẽ gần gũi hơn với người tiêu dùng nội địa vì giá thành sẽ phản ánh đúng chất lượng sản phẩm.

( Theo DNCT)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Lý Ngọc Minh - Minh Long

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc