Đoàn Nguyên Đức: Không đam mê cờ bạc, gái trai |
Thứ năm, 27/12/2012, 10:06 GMT+7 |
Cuộc đời có lắm nỗi đam mê, cám dỗ tầm thường nếu mình không giữ, không tránh được thì chết. Triết lý của đạo Phật cũng đã chỉ ra cho chúng ta, con người khổ là vì lòng tham, sân si… lòng tham vô đáy sẽ tự đánh mất mình và làm khổ mình. Cậu bé Đoàn Nguyên Đức sinh năm 1962 (năm Nhâm Dần) từ vùng quê Nhơn Mỹ, An Nhơn, Bình Định nghèo lắm! Một thời chiến tranh, đạn bom quân thù cày xới trên quê hương thật dữ dội. Năm 1965 cả gia đình cha mẹ di cư lên An Phú, Pleiku, Gia Lai sinh sống. Lúc ấy cậu bé Đức mới lên 3 tuổi. Nhớ về kỷ niệm một thời lam lũ ở quê nghèo, Ba Đức nói: “Nhà nghèo nên đời mình từ khi nhỏ cái gì khổ cũng kinh qua hết”. Có lẽ sớm ý thức được chuyện phải thay đổi cuộc đời làm nông nghèo khổ như cha mẹ mình nên ngay từ nhỏ Ba Đức đã cố gắng học tập. Như bao chàng trai thời đó, Đoàn Nguyên Đức mong muốn thi đỗ đại học cho con đường khởi nghiệp và phải đến lần thứ 3 “dùi mài kinh sử” mới đậu. Nhưng rồi “tính khí bất thường” đã khiến sau một năm học ở Đại học Nông Lâm, Ba Đức bỏ đi làm thợ cưa thuê cho một số chủ gỗ, sau đó biết nghề lại quay về nhà mở một xưởng mộc nho nhỏ ở quê chuyên đóng bàn ghế cho học sinh. Một dịp nọ khoảng năm 1991, tình cờ Ba Đức gặp một chuyên gia người Đài Loan đi tìm hiểu thị trường đầu tư kinh doanh mặt hàng gỗ ở Gia Lai và ông ta muốn hợp tác đầu tư liên doanh. Bên người khách Đài Loan cung cấp máy móc, thiết bị và hướng dẫn kỹ thuật, còn Ba Đức chịu phần sản phẩm gỗ, quản lý lao động sản xuất. Năm 1992, Xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku ra đời với hoạt động kinh doanh chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ. Sau bốn năm hợp tác làm ăn với chuyên gia Đài Loan, Ba Đức đã “Thối” lại hết nợ và toàn quyền quản lý khối tài sản máy móc thiết bị nhà máy. Lấy đà đi lên từ đó, Ba Đức mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài. Năm 1995, sản phẩm gỗ của Hoàng Anh Pleiku được xuất khẩu sang nhiều nước lớn trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc, Đức, Pháp… Giai đoạn năm 1997, trong bước đà đang tăng trưởng đi lên thì Hoàng Anh Pleiku cũng gặp khó khăn chung là Chính phủ cấm xuất khẩu các mặt hàng gỗ, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gỗ lao đao. Trong lúc khó khăn ấy nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gỗ xuất khẩu chuyển nghề nhưng Hoàng Anh Pleiku vẫn duy trì hoạt động của mình nhờ làm chủ được thị trường trong nước. Đúng một năm sau, Chính phủ cho phép xuất khẩu mặt hàng gỗ trở lại, Hoàng Anh Pleiku có điều kiện thuận lợi tung mạnh sản phẩm ra thị trường nước ngoài và giữ uy tín lớn đến bây giờ. Năm 2008 là thời điểm gặp khá nhiều khó khăn của Hoàng Anh Gia Lai do thị trường chung đi xuống, đặc biệt là bất động sản, trong khi đó, Tập đoàn phải tập trung vốn để đầu tư vào các lĩnh vực dài hạn. Để vượt qua cái khó, Tập đoàn đã làm một cuộc “đại cách mạng” về giá nhà đất để vực dậy thị trường. Ba Đức đi nhiều, giao du nhiều nhưng đặc biệt rất ít ăn nhậu và uống bia rượu. Hình như Ba Đức không có thời gian dành cho quán xá. Với mức lợi nhuận đạt hàng năm khá cao, bất chấp ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, Đoàn Nguyên Đức là một trong những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2009, với giá trị số cổ phiếu mà ông đang nắm giữ ở mức 11.500 tỷ đồng. Với Đoàn Nguyên Đức, được thua hay danh vị không phải là mục tiêu cuối cùng. Con người anh bôn ba thương trường nhiều năm, thành công có, thất bại không phải ít, nên Ba Đức nghiệm ra nhiều thứ, đặc biệt là chuyện giàu có như anh không hề sướng chút nào. Có lần gặp Ba Đức tôi hỏi, đại gia như anh thì sướng lắm, thiếu gì tiền mà vất vả? Ba Đức cười và bảo: “ Càng là đại gia càng khổ, không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi và hưởng thụ mà phần lớn dồn sức vào công việc”. Phần lớn buổi tối nào cũng 8 – 9h đêm Ba Đức mới ngồi vào bàn ăn. Đi công tác cũng khá bất chợt, đột xuất, không khi nào rảnh đôi chân thoăn thoắt của mình. Nếu tính bình quân, mỗi ngày đi kiểm tra một cơ sở kinh doanh thì Ba Đức phải đi hơn cả tháng trời vẫn không đều khắp trong và ngoài nước. Ba Đức luôn tâm niệm, Hoàng Anh Gia Lai “phất” lên và giữ được “phong độ” trong cơ chế kinh doanh mới là nhờ biết dùng và trọng dụng những người tài. “Vậy có người cho rằng, giàu có bây giờ là nhờ buôn gian, bán lận, Ba Đức nghĩ sao?”. Nghe câu hỏi của tôi, Ba Đức cười và bảo: “Bây giờ cuộc sống xã hội, dân trí ngày càng cao, pháp luật cái gì cũng rõ như ban ngày không giấu đút, che đậy được đâu, làm ăn gian lận thì giàu nhanh nhưng chết cũng nhanh”. Vì vậy nên Ba Đức luôn nghĩ rằng, khó lắm mới gây dựng được cơ đồ như hôm nay, đã thành danh rồi thì dại gì đánh đổ nó đi mà làm bậy. Trong cuộc sống kinh doanh, tranh giành thị trường chỉ cần sơ xuất một chút là dễ gặp tai hoạ. Ba Đức đã từng gặp chuyện ấy, từng đau khổ vì chuyện cạnh tranh không lành mạnh ấy thấm thía lắm. Bên chuyện kinh doanh, bóng đá là thứ mà Ba Đức mê nó như lẽ sống riêng của tâm hồn mình. Nhưng cũng quanh chuyện bóng đá, có lẽ Ba Đức cũng không giấu được lỗi buồn. Câu chuyện bầu Đức bị đề nghị khởi tố có lẽ mãi là một câu chuyện, một bài học mà cả đời Ba Đức thấm thía, đau đớn. Nhớ chuyện hôm ấy cả phố núi, rồi cả trong và ngoài nước râm ran không ngớt chuyện bầu Đức bị đề nghị khởi tố. Hàng chục ngàn công nhân của Hoàng Anh Gia Lai cũng bất ngờ và mất ăn, mất ngủ. Trong mỗi cuộc chơi bao giờ cũng có sự trả giá, cái gì quá trớn cũng sẽ ân hận. Ba Đức tâm niệm rằng kinh doanh phải biết tính lời, lỗ, nhưng đạo đức kinh doanh sẽ giúp anh đi dài và xa hơn. Thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai đang vang xa cả thế giới hôm nay không phải ngẫu nhiên mà phải nói là trải qua một quá trình xây dựng từng “viên gạch” một. Người ta thường nghĩ rằng là đại gia phải biết ăn chơi và có sự đam mê những điều xưa nay thiên hạ hay nhắc đến với người giàu có như cờ bạc, trai gái…? Ba Đức cười bảo: “Trời cho tôi cái tính không đam mê những thứ ấy, nếu có chắc chết lâu rồi” (cười). Cuộc đời có lắm nỗi đam mê, cám dỗ tầm thường nếu mình không giữ, không tránh được thì chết. Triết lý của đạo Phật cũng đã chỉ ra cho chúng ta, con người khổ là vì lòng tham, sân si… lòng tham vô đáy sẽ tự đánh mất mình và làm khổ mình. Ba Đức quan niệm, làm doanh nghiệp không chỉ đóng góp cho quốc gia bằng nguồn nộp thuế mà phải làm rạng danh cho quốc gia, dân tộc bằng cả thương hiệu, sự uy tín và lớn mạnh của mình… Quốc gia có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân làm ra của cải vật chất nổi tiếng thì quốc gia ấy sẽ trở nên cường thịnh, giàu có và lớn mạnh. Hy vọng rằng, đất nước Việt Nam chúng ta ngày càng có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp làm nên sự nghiệp lớn bằng trái tim và khối óc chân chính của mình để giúp ích cho quê hương, đất nước. ( Theo DNCT) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|