top-banner-2

Thứ sáu, 11/07/2014, 16:26 GMT+7

Người 'trồng quả ngọt' thương hiệu nho Ninh Thuận

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ sáu, 11/07/2014, 16:26 GMT+7

Ông là một doanh nhân tiêu biểu trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh nho, nhưng ông thích được gọi bằng cái tên bình dị, đúng như cái tên thương hiệu: Ba Mọi.

Ít ai nghĩ rằng, mảnh đất khô cằn như Ninh Thuận lại là nơi thuận lợi để trồng nho và ngày càng được nhiều người biết đến hơn khi có thêm một cái tên: Nho Ba Mọi. Có nhiều người trồng nho, nhưng để sống khỏe từ cây nho thì không phải ai cũng có thể làm được.

34 năm làm thương hiệu

Tới đây, trong buổi họp báo tại TP.HCM để công bố về chương trình Lễ hội Nho và Vang quốc tế Ninh Thuận 2014, dự kiến được tổ chức vào tháng 7, ông Nguyễn Văn Mọi (Ba Mọi) sẽ xuất hiện với tư cách một doanh nhân đầu tư và xây dựng thành công thương hiệu nho sạch nổi tiếng của địa phương. Nếu tính tuổi đời của một gốc nho là 10 năm thì ông Ba Mọi đã trồng đến đời nho thứ 4 tại vùng đất đầy nắng và gió này.

ong-chu-nho-ba-moi

Ông Ba Mọi cũng là một trong số những người tiên phong làm kinh tế từ cây nho và sau 34 năm đã gây dựng được thương hiệu nho Ba Mọi nổi tiếng ở Việt Nam.

Toàn tỉnh Ninh Thuận có đến 1.200 ha nho, trong khi ông đang sở hữu chỉ 1,5 ha, ông có nghĩ đây là con số khá khiêm tốn đối với một thương hiệu nho nổi tiếng ở Việt Nam?

Trang trại rộng 1,5 ha của gia đình tôi đang cho 15 tấn nho ăn quả và 5 tấn nho làm rượu mỗi vụ. Tôi cho là hiếm có loại cây trồng nào mang lại thu nhập tốt như cây nho. Trung bình mỗi năm, nó cho thu hoạch cả trăm triệu đồng trên 1ha. Nếu làm thêm các sản phẩm chế biến từ nho và dịch vụ du lịch, doanh thu sẽ còn cao hơn. Tôi đặt vấn đề khai thác hiệu quả trang trại chứ không đặt nặng vấn đề có bao nhiêu đất để trồng nho. Bởi thực tế, nho Ninh Thuận nhiều, nhưng nho sạch đạt chuẩn VietGap thì không phải ai cũng làm được.

Tôi đã có gần 15 năm trồng nho theo mô hình nho an toàn và đã chứng minh cho cộng đồng thấy, trồng nho một cách chuyên nghiệp, đầu tư có khoa học, có chất lượng, chắc chắn giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều. Theo đó, lợi nhuận cũng cao hơn nhiều so với nho không đạt chuẩn.

Câu chuyện về cái tên nho Ba Mọi hình thành như thế nào, thưa ông?

Đó là tên của tôi và vợ tôi ghép lại. Nhưng xây dựng thương hiệu nho Ba Mọi thành công và được khách hàng biết đến có công lớn từ con trai tôi. Con tôi làm ăn ở TP.HCM, nó không theo nghề của gia đình, nhưng bức xúc trước tình trạng người trồng nho Ninh Thuận cứ đến mùa lại phải bán đổ đồng, giá rẻ mạt quá. Việc này lặp đi lặp lại nhiều năm, giống như cà phê, dưa hấu, bắp cải vậy. Chúng tôi mới quyết định phải chọn giống cây trồng có hiệu suất cao, chất lượng tốt. Năm 2002, chúng tôi đã nhận chuyển giao giống nho an toàn, cho hiệu suất cao từ Viện Khoa học Miền Nam.

Còn về tên gọi, ban đầu chúng tôi cũng không thuyết phục được trung tâm khuyến nông với cái tên mang tính dân dã như vậy, không đại diện cho thương hiệu của một vùng. Tuy nhiên, trước những thành công chúng tôi đã đạt được, cộng với kiên trì thuyết phục, rút cuộc trung tâm đã chấp nhận cái tên nho Ba Mọi. Từ đó, thương hiệu nho Ba Mọi có mặt trên thị trường đến hôm nay.

Chi phí đầu tư chuyển giao các công nghệ chế biến sản phẩm từ nho trong trang trại của ông có cao không?

Tôi may mắn được chuyển giao 3 công nghệ giúp đổi đời trái nho Ba Mọi. Sau khi được chuyển giao giống nho an toàn từ Viện Khoa học Miền Nam, tôi tiếp tục nhận công nghệ chế biến rượu vang từ nho của Phân viện Công nghệ thực phẩm TP.HCM và công nghệ nước ép từ nho của Đại học Bách khoa TP.HCM. Tất cả đều miễn phí. Về trồng nho, trung bình tôi đầu tư từ 300-500 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận rằng người tiêu dùng trong nước chưa biết nhiều đến nho Ninh Thuận chất lượng cao so với nho Mỹ, nho Úc trên thị trường?

Chúng tôi đang trồng và không đủ nho để cung cấp cho thị trường. Hiện tại nho Ba Mọi chỉ đáp ứng được hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM. Nho Mỹ, Úc giá gần 200.000 đồng/kg, chúng tôi bán giá bằng một nửa là đã có lời. Mong muốn của tôi là sản phẩm nho an toàn của Ninh Thuận ngày càng được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư trồng để cạnh tranh với những loại nho kém chất lượng, nhưng đội lốt nho ngoại “xịn”. Và do sản lượng bán ra chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường nên chúng tôi chưa thấy khó khăn trong cạnh tranh như một số sản phẩm khác.

nho-nt

Bí quyết trồng nho là phải coi cây nho như một cơ thể sống, phải cho nó nghỉ ngơi thư giãn chứ không nên tận dụng khai thác triệt để.

Nho – cô gái đỏng đảnh

Vậy cái khó nhất cho đầu tư trồng nho là gì?

Tôi học được kinh nghiệm từ các nhà nông Pháp là phải coi cây nho như một cơ thể sống, phải cho nó nghỉ ngơi thư giãn chứ không nên tận dụng khai thác triệt để.

Trước đây, do ráng để nho cho quả vào mùa mưa nên cây thường chết yểu hoặc tuổi thọ rất kém, do vào mùa mưa cây nho dễ bị nhiễm bệnh. Nay tôi cho cây nghỉ ngơi vào mùa này, tuyệt đối không khai thác như cách làm cũ. Cũng chính vì lý do này mà chúng tôi không có đủ nho để cung ứng cho thị trường.

Hiện nay, mỗi năm chúng tôi đang bán ra thị trường khoảng 15 tấn nho đạt chuẩn VietGap. Năm 2014 này, kế hoạch của chúng tôi là mua thêm khoảng 35 tấn sản phẩm có chất lượng từ các nhà nông, nâng sản lượng bán hàng của công ty lên thành 50 tấn.

Với tư cách cá nhân, ông có kế hoạch nào cho cây nho Ninh Thuận trong tương lai?

Nói thật, đôi khi tôi thấy mình đơn độc trên con đường có quá ít người đi. Không có nhiều cạnh tranh trong nước, không xác định cạnh tranh với những sản phẩm cao cấp, chúng tôi đang ở lưng chừng thị trường và rất sợ bị rơi vào tâm lý cầu an mọi việc. Mỗi sớm mai thức dậy, trong tôi lại vang lên một thôi thúc, phải làm gì để khẳng định được thương hiệu nho Ninh Thuận? Điều đó thúc đẩy chúng tôi tiến về phía trước và cảm nhận được rằng mình đang “sống”. Theo tôi, tâm lý này cũng vô cùng quan trọng.

Xin được hỏi ông câu cuối cùng. Trong 34 năm trồng nho, đã có mùa vụ nào ông bị trắng tay hoàn toàn?

Có chứ. Điển hình là năm 2003, lũ lụt cao và do ngâm lâu ngày, toàn bộ nho trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch coi như mất trắng. Năm đó, đã không thu được đồng nào, gần cả ngàn gốc nho trồng mấy năm mới thu hoạch cũng chết luôn. Đó mới là mất mát lớn. Tuy nhiên, không hiểu sao, tôi có một niềm tin mãnh liệt từ cây nho. Tôi tự nhủ, phải làm lại từ đầu và tìm cơ hội từ các mùa sau thôi.

Hoàng Quyên (Theo DDDN)

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Người 'trồng quả ngọt' thương hiệu nho Ninh Thuận

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc