Bí quyết nghìn tỉ của Đỗ Hà Nam |
Thứ bảy, 11/01/2014, 12:02 GMT+7 |
Mức tăng trưởng đều đặn hơn 10%/năm trong suốt giai đoạn khủng hoảng của Intimex khiến nhiều người tò mò, nhất là khi các doanh nghiệp cùng ngành lần lượt ngã ngựa. Thế nhưng, bí quyết của ông chủ Đỗ Hà Nam lại đơn giản đến mức khó tin.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Intimex - Ảnh Tuyển Phan Là một trong những lĩnh vực được xem như là cái phao cho nền kinh tế Việt Nam kể từ khi giai đoạn khủng hoảng, khi năm nào xuất khẩu của lĩnh vực nông nghiệp cũng tăng trưởng, mang về hàng tỉ USD ngoại tệ. Tuy nhiên, chưa biết sắp tới nền kinh tế sẽ tiếp tục dựa vào đâu khi năm 2013 lĩnh vực nông nghiệp bắt đầu đối mặt với những khó khăn khôn giải. Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản năm 2013 chỉ đạt khoảng 27,4 tỉ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2012. Hầu hết các mặt hàng chiến lược như gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều… đều tụt dốc cả về sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu, tạo nên một bức tranh không mấy tích cực về ngành nông nghiệp. Tình hình này càng thể hiện rõ nét hơn khi quan sát tình trạng của các doanh nghiệp Việt trong ngành này, đặc biệt là lĩnh vực cà phê. Năm 2012, trong số 127 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, 56 đơn vị đã ngừng kinh doanh hoặc chuyển sang hoạt động kinh doanh khác do không có khả năng thanh toán nợ ngân hàng. Cuộc khủng hoảng này tiếp tục kéo dài đến năm 2013, thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi bắt đầu xuất hiện những vụ lừa đảo trên thị trường. Vụ việc 7 ngân hàng cùng tham gia siết nợ kho hàng 3.000 tấn “cà phê giả” của Công ty Trường Ngân tại Bình Dương mới đây là dẫn chứng thiết thực nhất. Tuy nhiên, trong khi rất nhiều mô hình kinh doanh nhỏ chết trong khủng hoảng, thì cũng là lúc các doanh nghiệp lớn nổi lên như những hiện tượng của ngành nông nghiệp. Trong bảng công bố xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VNR 500 2013), ở hạng mục doanh nghiệp tư nhân, ngay sau vị trí dẫn đầu của Doji - tập đoàn chuyên về vàng bạc đá quý và Vinamilk - biểu tượng của ngành hàng tiêu dùng Việt Nam - là một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu các mặt hàng nông sản: Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex. Năm 2013, doanh thu của Intimex đạt 30.000 tỉ đồng (gần 1,5 tỉ USD), trong đó có 1 tỉ USD từ xuất khẩu. Điều đáng nói là từ năm 2007 đến nay, bất chấp khủng hoảng kinh tế, tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu và doanh thu của Intimex luôn ở mức trên 10%, có năm lên đến 50%. Vì sao Intimex lại có thể đi ngược dòng và lại đi nhanh như vậy? Lùi để tiến Với thị trường quốc tế, bản chất của kinh doanh thương mại là sòng phẳng, thuận mua vừa bán, thế nhưng cách làm của Intimex luôn là lùi một bước để tiến hai bước. “Mình chấp nhận bán giá rẻ hơn nhưng bù lại là có những đơn hàng về sau”. Đó là bí quyết số 1 của Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Intimex. Cách làm này cũng được ông áp dụng trong làm ăn với nông dân. Trong kinh doanh nông sản, ai nắm được 30% thị trường trở lên thì sẽ có cơ hội chi phối thị trường. Điều này đã được chứng minh bằng câu chuyện của hạt tiêu, khi hiện nay Việt Nam được xem là quốc gia chi phối giá hạt tiêu thế giới. Tham vọng này đang được Intimex thực hiện với lĩnh vực cà phê. Theo phân tích của ông Nam, khác với thị trường quốc tế, nơi các nhà đầu cơ là những thế lực chi phối thị trường thì ở Việt Nam sức mạnh này lại nằm trong tay nông dân. Vì vậy, muốn chi phối thị trường quốc tế thì phải “nắm” được người nông dân. “Còn muốn được đi cùng với nông dân thì hãy nghĩ đến người ta trước, hỗ trợ và làm dịch vụ cho nông dân. Nông dân có khá lên, giàu lên thì doanh nghiệp mới sống được”, ông nói. Chẳng hạn, để hỗ trợ nông dân, cán bộ của Intimex đã thông qua chính quyền địa phương và các hợp tác xã đến từng hộ dân tại các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng… để cung cấp thông tin, tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, bảo quản hàng hóa, đảm bảo yêu cầu về xuất xứ và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá bán bấp bênh, nhất là bị thương lái ép giá, luôn là nỗi khổ của người nông dân. Ông Nam làm khác. Intimex cam kết mua lại sản phẩm của nông dân với giá cao hơn giá thị trường tối thiểu 300 đồng/kg. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ nông dân về vốn, cho họ gửi hàng khi giá thấp để dành bán ra khi giá cao. Vì thế, không ngạc nhiên khi mới triển khai trong năm 2012 nhưng Intimex đã ký hợp đồng thu mua với hàng ngàn hộ dân, sản lượng đạt trên 62.000 tấn cà phê; năm 2013 đã tăng lên 110.000 tấn. “Khi mình chọn người nông dân là sự sống còn của chính mình thì phải trả cho họ cái giá xứng đáng nhất “, ông Nam đúc kết. Không chỉ có cà phê, cách làm này cũng đã đưa Intimex nằm trong top dẫn đầu những ngành hàng xuất nhập khẩu khác. Năm 2012, Intimex trở thành nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam với tổng lượng xuất khẩu trên 370.000 tấn/năm, chiếm gần 21% lượng xuất khẩu của cả nước. Intimex cũng đứng thứ 3 Việt Nam về xuất khẩu hạt điều chế biến với số lượng trên 10.000 tấn/năm, đứng thứ 3 về xuất khẩu hồ tiêu với gần 10.000 tấn/năm và đứng trong tốp 10 nhà xuất khẩu gạo lớn của cả nước. Công ty còn là nhà nhập khẩu thực phẩm đông lạnh hàng đầu Việt Nam, nhà xuất nhập khẩu lớn về thép chuyên dụng… Tuy nhiên, con đường làm thương mại và xuất khẩu sản phẩm thô khó mang lại tỉ suất lợi nhuận cao. Theo như chia sẻ của ông Nam, sau khi lấy giá bán trừ đi giá mua, phần của Intimex còn lại chưa tới 1%. Thực tế kết quả kinh doanh của Intimex cũng phản ánh rất rõ điều này. Năm 2011 trong tổng doanh thu 20.500 tỉ đồng thì lợi nhuận của Intimex chỉ đạt 47,1 tỉ đồng. Năm 2012 trong tổng doanh thu 27.000 tỉ đồng thì lợi nhuận chỉ đạt khoảng 90 tỉ đồng. “Đầu tư chiều sâu và lấy lợi nhuận từ khâu chế biến”, ông Nam nói về chiến lược gia tăng lợi nhuận của Intimex. Hiện tại, Intinmex đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng hệ thống nhà máy chế biến tại các vùng nguyên liệu tập trung. Tuy nhiên, ông Nam cho biết con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Bàn đạp M&A Tiền thân của Intimex là Chi nhánh Công ty Xuất nhập khẩu Intimex tại TP.HCM, trực thuộc Bộ Công Thương. Đầu năm 1996, ông Nam được điều vào tiếp quản Intimex TP.HCM, lúc đó đang trong tình trạng “hầu như không có gì, tài sản không, nhân lực không”. Nhưng chỉ sau đó 10 năm, dưới sự điều hành của ông, doanh thu của Intimex đã đạt trên 1.860 tỉ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 105 triệu USD. Tuy nhiên, một trong những yếu tố quyết định đến sự tăng trưởng nhanh của Intimex chính là kể từ năm 2006, khi Intimex chuyển sang mô hình doanh nghiệp cổ phần. Trước khi cổ phần hóa, Intimex có vốn điều lệ là 14,4 tỉ đồng với 1 nhà máy chế biến tiêu sạch tại Bình Dương và 3 chi nhánh, thì đến nay Intimex có tới 13 công ty thành viên nơi Intimex nắm cổ phần chi phối (trên 51%) với tổng tài sản trên 2.700 tỉ đồng. Nếu như chiến lược kinh doanh lấy số lượng làm ưu tiên đã đưa Intimex vượt lên dẫn đầu trên thị trường xuất khẩu, thì xét trong chiến lược doanh nghiệp, chính những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đã giúp Intimex tăng trưởng rất nhanh. “Trong giai đoạn 2006 - 2010, thị trường xuất hiện khá nhiều doanh nghiệp làm ăn thất bại, Intimex có cơ hội mua lại với giá rất rẻ”, ông Nam cho biết. Có thể kể đến như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Cà phê Intimex Nha Trang được mua lại từ Công ty Vật tư Chế biến Cung ứng Cà phê Xuất khẩu thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đắk Nông được mua lại từ doanh nghiệp tư nhân An Phúc, Công ty Cổ phần Intimex Xuân Lộc được mua lại từ doanh nghiệp tư nhân Trung Thành và Công ty Cổ phần Bê tông Hòa Cầm Intimex được mua lại từ Công ty Xây dựng Quảng Nam. M&A đã góp phần gia tăng doanh thu của Intimex rất nhanh. Đơn cử như năm 2012 các công ty thành viên đã đóng góp gần 10.000 tỉ đồng trong 27.000 tỉ đồng tổng doanh thu. Bên cạnh việc giúp tăng trưởng doanh thu, M&A cũng được xác định là một trong những chiến lược giúp Intimex hoàn thiện chuỗi kinh doanh. Mục tiêu của Intimex là xây dựng các chuỗi nhà máy chế biến nông sản như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, gạo. Đặc biệt, tham vọng của ông Nam là đầu tư vào hệ thống sản xuất kinh doanh cà phê từ khâu trồng trọt tại các nông trường đến nhà máy chế biến thô, chế biến tinh và hệ thống phân phối đến người tiêu dùng. “Hiện tại một số khâu trong chuỗi này vẫn chưa có và Intimex sẽ M&A để hoàn thiện trong thời gian tới”, ông nói. Một trong những lĩnh vực có vẻ không ăn nhập gì đối với một doanh nghiệp xuất khẩu như Intimex là đầu tư trung tâm thương mại. Hiện Intimex có 5 trung tâm thương mại tại Buôn Ma Thuột, Tây Ninh và Đăk Nông, Đà Nẵng, Hải Phòng. Và theo chiến lược được công bố thì Công ty sẽ tiếp tục xây dựng các trung tâm thương mại khác tại miền Bắc, Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên trong thời gian tới. Ông Nam cho rằng thực ra lĩnh vực trung tâm thương mại hay kho cảng đều nằm trong chuỗi kinh doanh và ý đồ của ban lãnh đạo Intimex từ trước. Đó là phục vụ chiến lược kinh doanh nội địa, giúp các sản phẩm của Intimex, bao gồm sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm chế biến tinh, đi vào thị trường một cách nhanh chóng. “Nếu nhìn riêng lẻ từng lĩnh vực mà Intimex đang làm có thể sẽ khó nhận ra Intimex đang đi theo chiến lược nào, nhưng một khi kết nối các điểm này lại thì sẽ là một chiến lược rất rõ ràng”, ông Nam nói. Quan sát những lĩnh vực mà Intimex đang kinh doanh (xuất nhập khẩu, phát triển nhà máy chế biến thô, hệ thống kho cảng, trung tâm thương mại) có thể thấy rất rõ, so với mục tiêu đặt ra chế biến tinh là mắt xích cuối cùng mà Intimex đang thiếu. “Đó sẽ là phần để dành cho sau năm 2015, khi Intimex lên sàn. Lúc đó chúng tôi sẽ có nguồn vốn để thực hiện các chiến lược táo bạo hơn”, ông Nam tiết lộ. Nguồn: DNSG
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|