Trương Đình Anh kể về những ngày "lương không đủ sống" ở FPT |
Thứ hai, 26/11/2012, 15:27 GMT+7 |
Ông Trương Đình Anh gia nhập FPT vào cuối năm 1993 với mức lương 800.000 đồng/tháng...
Không được nhận bằng ĐH vì mải... làm thêm Ông Trương Đình Anh xuất thân trong một gia đình trí thức sống đạm bạc. Ông từng cho biết mình vào đời rất sớm với hai bàn tay trắng. Trong một bài viết trên blog cá nhân của mình chia sẻ quan điểm về tiền, ông từng viết: "Năm thứ hai đại học, tôi đã đi làm thêm - một điều rất hiếm ở thời đó vì tốt nghiệp đại học ra đã chắc gì có công ăn việc làm. Làm thêm rất vui, được nuôi ăn, được xài máy tính thỏa thích và cũng được ít đồng dằn túi. Năm thứ ba ĐH, tôi đã có một công việc part-time cố định ở ngân hàng. Những năm đầu tiên đó, tôi đã đi gần như khắp các tỉnh thành, được quen biết với rất nhiều người và tích lũy được nhiều kinh nghiệm mà không trường học nào dạy cho mình. Tôi rời trường ĐH nhưng không được nhận bằng vì "trốn học" nhiều quá. Tôi là một trong vài sinh viên hiếm hoi bị giữ bằng. Một kết cục buồn cho một sinh viên năm thứ nhất có điểm số đứng đầu trong 600 sinh viên. Một năm sau, tôi mới nhận được bằng đại học, tấm bằng màu nâu nhạt vỏ ép nhựa tái sinh với tấm hình gầy ốm của một thanh niên cao 1.72m mà chỉ nặng có 51kg. Tôi cất tấm bằng trong ngăn tủ và chưa bao giờ trình ra cho bất cứ một nhà tuyển dụng nào”. Ông Trương Đình Anh gia nhập FPT vào cuối năm 1993 với mức lương 800.000 đồng/tháng tương đương 70 USD. Lý do "nhảy việc" rất đơn giản: “Tôi cảm thấy mình không có cơ hội phát triển ở ngân hàng”. Những năm đầu tiên ở FPT, tôi luôn sống trong tình trạng lương không đủ tiêu, nhiều lần tôi có “lời đề nghị khiếm nhã” xin tăng lương, nhiều lần nhấp nhổm “lên đường” vì cảm thấy những cơ hội quá lớn trôi đi mà các lãnh đạo không chia sẻ. Tôi may mắn là nhiều lần được lãnh đạo tăng lương, rồi nghe theo nhiều đề nghị của tôi và tôi tiếp tục phục vụ FPT. Từ 100 triệu đồng đến 100 triệu USD Năm 1997, Trung tâm Internet FPT do Trương Đình Anh làm Giám đốc được thành lập. Chỉ sau đó 1 năm, Trương Đình Anh đã thực sự khuấy động thị trường Internet dial up với những chiêu cạnh tranh đặc biệt (vào thời điểm đó): thuê nhân viên giao dịch là những cô xinh như người mẫu, khuyến mãi ào ạt (điều chưa từng xảy ra trên thị trường viễn thông Việt Nam)... Bên cạnh đó, FPT Internet cũng là công ty đầu tiên tung ra dịch vụ Internet trả trước. Chính nhờ những "chiêu thức" độc đáo, FPT Internet đã đạt tới đỉnh cao của thị trường Internet dial up vào năm 2002 với việc tạo ra tới 1 tỷ phút điện thoại cố định chiếm tới 10% tổng sản lượng điện thoại cố định toàn Việt Nam (có ngày số tiền nạp thẻ Internet prepaid của FPT lên tới 1 tỷ đồng/ngày). Trong thời gian này, Trương Đình Anh đã từng nói: "Năm 2008 chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành mục tiêu đạt doanh thu 100 triệu USD. Đây mới thực sự là giấc mơ của tôi hiện nay kể từ khi cái Trung tâm Internet "chết đói và lỗ chỏng gọng" với doanh thu 100 triệu đồng năm 1997 của chúng tôi được ra đời". Rồi Đình Anh bình luận tiếp về ước mơ mới của mình: "Việt Nam mất 11 năm để được gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), FPT Telecom có lẽ cũng sẽ hoàn thành mục tiêu doanh thu 100 triệu USD sau 11 hoạt động. Đây có lẽ là hành động thiết thực và có ý nghĩa nhất của chúng tôi khi Việt Nam gia nhập WTO". Cuối tháng 2/2011, Trương Đình Anh được bổ nhiệm chức TGĐ FPT. Từ khi ông nắm giữ chức vụ này, kết quả tổng doanh thu của FPT đạt 25.978 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2010; và lợi nhuận trước thuế đạt 2.502 tỷ đồng, tăng 24%. Giữa năm 2011 FPT có điều chỉnh kế hoạch doanh thu, nếu so với con số điều chỉnh, thì doanh thu 2011 của FPT chỉ đạt 97%. Nhưng Trương Đình Anh cũng là một CEO của một công ty lớn gặt hái được nhiều thành công và cũng “gặt hái” nhiều sự thù ghét nhất. Đến thời điểm hiện tại người ta vẫn đồn đại nhiều về việc nghỉ phép của ông có liên quan đến những con số từ doanh thu của FPT. Nguồn: GDVN Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|