top-banner-2

Thứ tư, 09/10/2013, 08:51 GMT+7

Để đến được thành công, không thể không có khó khăn.

Thứ tư, 09/10/2013, 08:51 GMT+7

Trò chuyện với doanh nhân Đặng Xuân Huề - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần XNK Quảng Bình tôi hiểu thêm giá trị của... khó khăn bởi như ông nói : để đến được thành công, không thể không có khó khăn.

alt

Phải mất khá nhiều thời gian để vị doanh nhân đã bước sang tuổi 60 này có thể thẳng thẳng và cởi lòng khi bộc bạch những tâm sự về công việc cũng như chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình tìm kiếm sự vinh quang trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Và tôi cảm nhận được sự hạnh phúc, đan lẫn vẻ mãn nguyện của ông khi hồi tưởng về hành trình đưa “con thuyền” Công ty XNK Quảng Bình đến với những thành công như ngày hôm nay.

Chấp nhận và đương đầu những thách thức

“Sống trên đời phải biết chấp nhận và quan trọng phải biết thế nào là đủ !” – câu nói tưởng như vô tình nhưng đầy ẩn ý của ông đã khiến tôi càng tò mò về con người của ông hơn.

Như hồi tưởng, ông tâm sự : “Làm DN không hề đơn giản, nhất là ngành khai thác khoáng sản công nghiệp. Bởi không giống như bất cứ một ngành nghề sản xuất thương mại nào, khai thác khoáng sản luôn bị mọi người quay lưng và xem là người “phá” tài nguyên của đất nước, nên chẳng mấy ai mặn mà với những hoạt động của các DN kiểu này."

Nhưng thành thật mà nói, nếu không có những người như ông đến đầu tư khai thác titan ở vùng biển, khai thác khoáng sản khác ở vùng núi, thì sẽ chẳng có những con đường, những mái trường và quan trọng hơn là đời sống vật chất của ngươi dân tại nơi đầu sóng ngọn gió và cả những nơi vùng núi heo hút ngày càng được nâng cao. Đó là chưa kể những đóng góp của ngành khoáng sản vào GDP của Việt Nam là tương đối lớn hơn 10%.

Ông cũng đồng cảm với quyết định tăng thuế xuất khẩu khoáng sản của Chính phủ. Bởi hơn ai hết ông hiểu tăng thuế là nhằm mục đích lưu lại nguồn tài nguyên quốc gia không bị buôn bán trái phép hoặc làm cạn kiệt.

Việc tăng thuế khoáng sản có thể đẩy nhiều DN đến bờ vực phá sản, nhưng thương trường là thế, rất nhiều rủi ro. Nhưng trước hết phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Phải qua những thách thức khó khăn thì những DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực khoáng sản, sẽ trở nên mạnh mẽ và rõ ràng hơn” - ông Huề nhấn mạnh.

Ông chia sẻ, làm DN là phải “đứng đầu sóng ngọn gió” đôi khi phải chịu cả nhiều điều tiếng và chịu cả sự bất cập của cơ chế. Chẳng có đất nước nào lại đưa ra chính sách để giết DN cả, quan trọng là chính sách đó như thế nào và có đúng thời điểm hay không. Việc tăng thuế xuất khẩu khoáng sản cũng vì mục đích quốc gia, nên DN phải biết chấp nhận.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc quản lý tài nguyên thiên nhiên thông qua các công cụ thuế, phí nhằm tối ưu hóa các lợi ích kinh tế cho quốc gia là điều mà đất nước nào cũng phải thực hiện. Song song với công tác quản lý bằng chính sách, Nhà nước cũng cần tính đến việc thu hút, tạo điều kiện cho các DN phát triển nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên để phục vụ cho lợi ích quốc gia.

Nhà nước nên áp dụng và xây dựng kế hoạch về lộ trình thuế suất phù hợp để chủ đầu tư thu hồi được vốn, có điều kiện tích luỹ vốn và khuyến khích DN mạnh dạn tham gia đầu tư vào nhà máy chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc miễn thuế xuất khẩu hoặc ưu đãi thuế trong giai đoạn đầu cho các sản phẩm chế biến sâu để các DN có sức cạnh tranh và đứng vững trên thị trường khu vực và thế giới” - ông Huề chia sẻ.

Tuy nhiên, đó chưa phải là cái gì đó quá lớn lao đối với một người đầy nhiệt huyết và từng trải như ông. Ông cho biết, ngay từ ngày là người cầm trịch công ty từ năm 2005, trong lúc hầu hết các cán bộ chủ chốt của công ty xin nghỉ việc hoặc tìm cách “bỏ của chạy lấy người”, nhưng ông vẫn chấp nhận ôm số nợ hơn 40 tỉ do làm ăn thua lỗ của vị tướng tiền nhiệm để tìm mọi cách vực lại công ty, bởi trong ông đã chuẩn bị sẵn cho một cuộc tái thiết hoàn hảo.

Ông đã quyết định xin cổ phần hoá và bán tài sản, thế chấp nhà cửa để cho công ty “mượn” hoạt động mà không tính lãi một đồng nào. Nói điều này ra có lẽ rất nhiều người không thể tin được, nhưng nhìn vào mắt ông tôi cảm nhận được sự thật và sự chân chất đó.

Bởi chỉ sau 8 năm cầm lái con thuyền với những quyết sách táo bạo và đúng hướng, công ty của ông ngày càng phát triển bền vững, số nợ 40 tỉ đồng trước đây đã được trả và hiện nay công ty của ông là một DN không nợ ngân hàng và được xem là một trong những con chim đầu đàn của tỉnh Quảng Bình.

Chính vì vậy, khi mặt hàng xuất khẩu chính của DN có nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng, chính ông đã cùng các cán bộ công nhân viên tìm hướng mới. Ông cho biết: mặc dù còn gặp không ít khó khăn do tình hình chung của đất nước và sự tác động của một số chính sách tăng thuế xuất khẩu titan, nhưng công ty vẫn quyết tâm đưa mặt hàng này làm chủ lực và đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện Nhà máy chế biến sâu.

Đồng thời, công ty tiếp tục đẩy mạnh khai thác, chế biến đá xây dựng công nghiệp. Hiện nay, công ty có 3 đơn vị liên doanh khai thác đá là Công ty TNHH khai thác đá Công nghiệp I; Công ty TNHH khai thác đá Công nghiệp II; Công ty TNHH khai thác đá Công nghiệp III; với nhiệm vụ chung là khai thác, chế biến đá xây dựng phục vụ các công trình công nghiệp và dân sinh trong và ngoài tỉnh…

Tuy đây là ngành nghề sản xuất kinh doanh mới nên bước đầu công ty cũng gặp khó khăn nhưng trong tương lai đây sẽ là hướng phát triển bền vững của công ty.

“Nhập khẩu” mô hình quản lý tiên tiến

Thương trường cũng giống như chiến trường, khi “bom nổ” tất nhiên sẽ có người bị thương, nhưng quan trọng sau khi tỉnh dậy ý chí, chiến lược của họ - của những DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực khoáng sản, sẽ trở nên mạnh mẽ và rõ ràng hơn.
Con đường đi đến thành công của mỗi DN luôn có những hướng đi, những triết lý riêng. Nhưng đối với Công ty XNK Quảng Bình và ngay bản thân “vị tướng” Đặng Xuân Huề thì ngoài những yếu tố khách quan ra, trong triết lý kinh doanh của ông chỉ cần đoàn kết một lòng trong công ty là sẽ thành công.

Nếu mọi người cùng bắt tay với nhau thì việc đổi mới, cùng đưa ra những ý tưởng kinh doanh và quyết định chiến lược để thực hiện mục tiêu thì kết quả thành công sẽ nắm chắc trong tay. Chính vì vậy, phương châm của ông là “làm hết việc chứ không làm hết giờ” đã trở thành phương châm của cả công ty.

Mặc dù đã bước vào tuổi 60 – cái tuổi mà không ít người đã chuẩn bị trước cho mình kế hoạch nghỉ dưỡng, nhưng nhìn vào mắt ông và trong cách trò chuyện của ông tôi như có được cảm nhận từ trong sâu thẳm ý chí và con người ông vẫn còn đầy “máu lửa” với hành trang đưa công ty phát triển bền vững hơn nữa. Có lẽ vì thế mà ông đã biết cách để khẳng định mình trên thương trường.

Ông cho biết, ngoài việc chấp nhận những khó khăn và cơ chế chính sách của Nhà nước, muốn DN ngày càng phát triển bền vững, điều quan trọng nhất là phải chịu khó học hỏi mô hình quản lý, kinh nghiệm từ người đi trước, hoặc từ những mô hình của các nước tiên tiến.

Ông nói thế và tôi cũng tự hiểu ra rằng, để có được ngày hôm nay, ngoài những nỗ lực của ông thì việc đưa mô hình KPI (Key Performance Indicator - Chỉ số đo lượng hiệu suất) của Mỹ vào hoạt động đã mang lại cho công ty ông nhiều đột phá và hiệu quả cao trong 3 năm qua. Ông cho biết, KPI giúp DN định hình và theo dõi quá trình tăng trưởng so với mục tiêu đã đề ra.

Một khi DN đã hình thành sứ mệnh, xác định những nhân tố ảnh hưởng và đề ra mục tiêu, DN cần phải đo lường sự tăng trưởng so với những mục tiêu đã đề ra. KPI chính là thước đo sự tăng trưởng này.

Để giải thích cho một người "ngoại đạo" như tôi, ông kiên nhẫn : “Theo mô hình này thì mỗi vị trí trong công ty sẽ có bản mô tả công việc hoặc kế hoạch làm việc hàng tháng. Nhà quản lý sẽ áp dụng các chỉ số để đánh giá hiệu quả của vị trí đó. Dựa trên việc hoàn thành KPI, công ty sẽ có các chế độ thưởng phạt cho từng cá nhân. Nói một cách đơn giản, tương tự như khi đi vào một phòng khám đa khoa, người ta sẽ tham vấn cho mình một loạt test (thử máu, huyết áp, nhịp tim, X quang, nước tiểu, mắt, mũi, chân tay, thần kinh...). Nếu ta khám hết, bác sĩ sẽ cho ta một loại kết quả thể hiện bằng những chỉ số định tính và định lượng. Tất cả những thông tin đó đều là KPI về tình trạng sức khỏe của DN”.

Ông dí dỏm “có thể coi đây là cách chữa bệnh được nhập khẩu của công ty cổ phần XNK Quảng Bình”. Bởi chúng ta giám sát sức khỏe của mình, của DN, phòng ban và nhân viên... thông qua các KPIs.

Từ đó biết được chúng ta đang có sức khỏe tốt hay xấu, DN đang làm ăn hiệu quả hay không, nhân viên đang hoạt động ra sao... để đưa ra các biện pháp giải quyết hiệu quả. Điều đặc biệt của mô hình này là quản lý hiệu quả công việc chứ không quản lý về mặt thời gian.

Trong câu chuyện của mình, ông Huề cũng tự hào, những thành quả của ông đã được ghi nhận. Ngay trong những ngày hướng tới ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã đề cử ông là 1 trong 2 doanh nhân của tỉnh được đề xuất trao tặng danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu 2013.

Người đăng: TT (Theo dddn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Để đến được thành công, không thể không có khó khăn.

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc