top-banner-2

Thứ bảy, 07/09/2013, 10:34 GMT+7

Tâm huyết vì thương hiệu gạo Việt

Thứ bảy, 07/09/2013, 10:34 GMT+7

Cách đây hai năm, không ai nghĩ rằng giữa một vùng trũng của Đồng Tháp Mười mênh mông lại có một công ty lúa gạo sừng sững mọc lên với hệ thống nhà máy sấy và xay xát gạo hiện đại, hệ thống nhà kho quy mô trên 6ha, đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Người tạo nên sự kiện đó là một doanh nhân người Hoa - ông Huỳnh Cẩm, hiện là Chủ tịch Công ty Thép Cẩm Nguyên.


alt

Ông Huỳnh Cẩm - Chủ tịch Công ty lúa gạo Cẩm Nguyên

Nhìn cơ ngơi nhà máy đồ sộ của ông giữa vùng đồng lúa trũng, bát ngát màu xanh, chúng tôi chỉ biết gật gù thán phục.

Ông tâm sự: “Những gì ở đây không chỉ xây dựng bằng tiền, mà còn xây dựng bằng mồ hôi, công sức, bằng cái tâm đem công nghiệp hóa đến với nông dân và làm thương hiệu cho gạo Việt Nam. Chỉ có tâm huyết và niềm tin mới giúp tôi có động lực để hoàn thành nhà máy này”.

* Thực tế nhiều năm qua, có không ít doanh nghiệp (DN) đã đầu tư đa ngành nhưng đều thất bại, cuối cùng họ rút ra “chân lý” là quay lại với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Vậy việc Cẩm Nguyên kinh doanh lúa gạo có phải là đầu tư đa ngành không và ông nghĩ gì về điều này?

- Đúng là thời gian qua cũng có nhiều DN đầu tư đa ngành, nhưng cuối cùng không thành công, buộc phải thoái vốn, bán lại cổ phần, trở về nghề chính của mình.

Tuy nhiên, việc thành lập công ty lúa gạo, tôi không cho rằng Cẩm Nguyên đầu tư đa ngành, mà khi nhìn thấy một lĩnh vực phát triển bền vững, nhiều tiềm năng, chúng tôi chọn đầu tư và chỉ làm những gì vừa sức, nằm trong khả năng của mình.

Với lĩnh vực đầu tư lúa gạo, tôi nghĩ đó không phải là tiền mà là tâm huyết. Tâm huyết của tôi là cùng với nông dân làm cho lúa gạo của Việt Nam nói chung và của Cẩm Nguyên nói riêng có một thương hiệu gạo.

Thật sự, khi bước vào lĩnh vực này, tất cả nhân viên của Cẩm Nguyên và bản thân tôi đều xác định là những người làm thật, cùng lăn vào đồng ruộng, cùng xây dựng nhà máy để làm chứ không phải chỉ là người đi thu mua, không có nhà máy sản xuất.

* Ngoài cái tâm của ông là muốn đem công nghiệp hóa đến với nông dân và làm thương hiệu cho gạo Việt, ông có động lực nào khác hoặc có bạn bè, đối tác nào “gợi ý” để ông đầu tư vào lĩnh vục lúa gạo này hay không?

- Thời gian làm sắt thép, tôi đi rất nhiều nước và trong lúc ăn cơm với bạn bè, khách hàng ở nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều người hay bình luận gạo này ngon, gạo kia không ngon.

Họ bảo tôi: “Nghe nói ở Việt Nam gạo ngon lắm sao ông không làm lúa gạo”. Những câu hỏi gợi ý này tôi nghe rất nhiều lần và từ nhiều năm nay, theo “phần mềm kế hoạch” trong đầu tôi, tôi đã có ý tưởng làm lúa gạo.

Thực tế cho thấy, ngày xưa ở thành phố, ai làm lúa gạo là “lớn” lắm, còn ở quê ông nào có nhà máy chà lúa gạo là thuộc giới “giàu có, vai vế nhất vùng”, mỗi lần nhà có đám tiệc là làm rất lớn cả vùng đều biết. Nói vậy để thấy ngành lúa gạo là một ngành có tiềm năng kinh tế rất lớn và là ngành chiến lược của xã hội từ rất lâu đời.

Ngay cả ngành sắt thép cũng là chiến lược của xã hội, nhất là khi đất nước đang phát triển và nhu cầu xây dựng đang rất lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng khó khăn chung của ngành nên kinh doanh sắt thép chưa được nhiều thuận lợi.

* Vì sao đang kinh doanh sắt thép ông lại tâm huyết với lúa gạo và chuyển sang lĩnh vực này?

- Đây là câu hỏi mà hầu như người nào biết tôi đầu tư vào lĩnh vực lúa gạo cũng đều hỏi, ngay cả Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp cũng hỏi tôi câu này. Mọi người đều thắc mắc: Đã hơn ba mươi năm kinh doanh trong ngành sắt thép, tuổi cũng gần 60 nhưng tại sao tôi lại chuyển sang lĩnh vực lúa gạo?

Thực tế đây là ngành mở rộng đầu tư thêm của công ty, chúng tôi vẫn duy trì sản xuất và kinh doanh sắt thép, kinh doanh dịch vụ kho bãi cảng tại Bến Lức, Long An.

Còn về lúa gạo, theo tôi thì mỗi vùng miền Việt Nam đều có nguồn tài nguyên quý, như miền Bắc có mỏ than, miền Trung có mỏ vàng, miền Nam - vùng đồng bằng sông Cửu Long có mỏ lúa gạo, mà tôi xem như mỏ vàng, tôi tin tưởng với cách làm của tôi sẽ mang lại nguồn lợi ích kinh tế lớn. Đó là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai là Nhà nước ngày càng quan tâm và có chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định 109, qui định tiêu chuẩn các doanh nghiệp (DN) muốn xuất khẩu lúa gạo thì phải có nhà máy nằm trong và gắn với vùng nguyên liệu, có công suất xay xát 10 tấn/giờ (240 tấn/ngày), kho chứa 5.000 tấn, khiến tôi mạnh dạn tìm đất đầu tư.

* Từ kinh doanh sắt thép, đầu tư thêm vào kinh doanh lúa gạo, điều gì khiến ông tự tin để mạnh dạn đầu tư rất lớn vào dự án này, thưa ông?

- Mặc dù tôi đã quản lý sản xuất, kinh doanh sắt thép và xuất nhập khẩu trên 30 năm, còn lúa gạo thì tôi chưa biết nhiều, đây là lĩnh vực mới để tôi học hỏi nhưng tôi hoàn toàn tự tin để đầu tư vào ngành này vì qua nhiều năm tích lũy, tôi có đủ kinh nghiệm để quản lý sản xuất và kinh doanh cho dù đó là lĩnh vực mới với tôi.

Sau hơn ba mươi năm quản lý, tôi ví đôi mắt của tôi như chiếc “đèn pha”, nhìn vào là biết chuyện gì đang xảy ra (cười). Quan điểm của tôi là Cẩm Nguyên làm nông nghiệp không phải đem “cái cào, cái cày, cái cuốc” đến cho người nông dân, mà là đem công nghiệp và khoa học đến với họ.

alt

Ví dụ lò sấy lúa, máy xay xát Cẩm Nguyên đều nhập thiết bị tiên tiến nhất của Thái Lan, một ngày công suất máy làm ra 580 tấn, so với Nghị định 109 thì số lượng này vượt trên 200%, và kho chứa của Cẩm Nguyên hiện có thể chứa trên 100.000 tấn, gấp trên 20 lần so với quy định của Nhà nước.

Với cách đầu tư nghiêm túc và thật sự tâm huyết của mình, cùng với sự ủng hộ của chính quyền địa phương và nhân dân địa phương, tôi tin Nhà máy Lúa gạo Cẩm Nguyên sẽ thành công.

Khi chuyển qua lĩnh vực lúa gạo, tôi thấy nhiều thuận lợi hơn sắt thép, ví dụ không phải lo nguyên liệu nhập khẩu, không lo tỷ giá lên xuống, việc đầu tư mở rộng sản xuất cũng dễ hơn.

Đặc biệt thủ tục hành chính ở Đồng Tháp rất thuận lợi cho DN, với dự án của Cẩm Nguyên, cả Chủ tịch và Ban lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đều ủng hộ và hỗ trợ.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp có giới thiệu đoàn chuyên gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, trong đó có TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách lúa gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng nhiều lãnh đạo Trung ương và các cơ quan quản lý có liên quan của tỉnh Đồng Tháp đến tham quan và góp ý mô hình dự án hỗ trợ nông dân trữ lúa chờ giá của Công ty Cẩm Nguyên.

* Với “chương trình hỗ trợ nông dân trữ lúa chờ giá”, ông có thể cho biết người nông dân sẽ được hưởng những lợi ích cụ thể như thế nào?

- Lợi ích lớn nhất mà chương trình mang lại đó là hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con nông dân trồng lúa giải quyết được áp lực “hai không một bị”, đó là không có chỗ phơi sấy, không có kho chứa và bị ép giá.

Ngược lại, khi chương trình của Cẩm Nguyên đưa ra, chúng tôi sẽ đem đến cho người nông dân “ba có một không”. Đó là có chỗ sấy (giúp giảm hao hụt, thất thoát, đảm bảo chất lượng), có kho chứa (hệ thống kho của Cẩm Nguyên có khả năng chứa trên 100.000 tấn), có tạm ứng tiền và không bị ép giá (đến khi được giá mới bán).

alt

Có thể tóm tắt chương trình là: Bà con nông dân sau khi thu hoạch lúa tươi chở đến Cẩm Nguyên để sấy lúa và gởi kho, trong thời gian gởi kho, bà con được tạm ứng một số tiền theo giá trị lúa gởi kho để trang trải chi phí, sau một thời gian gởi kho, giá lúa lên thì bà con có quyền quyết định bán lúa cho Cẩm Nguyên hoặc lấy về thì tùy thuộc vào bà con nông dân.

* Biết là chọn vùng đất trũng Tháp Mười làm nơi đặt nhà máy xay xát lúa và xây dựng hệ thống kho sẽ rất tốn kém, nhưng tại sao ông lại chọn nơi này?

- Nói đến vùng trũng Tháp Mười ai cũng sợ vì vùng đất này rất yếu, lún, tôi phải san lấp cát đến bốn mét rưỡi, nhà máy làm xong chưa khai trương đã lún xuống hai tấc, hiện nay chỗ nào chưa xây vẫn phải bù cát liên tục.

Nhưng tôi chọn xây dựng nhà máy ở vùng đất trũng này vì: Thứ nhất là hưởng ứng theo chính sách khuyến khích của Nhà nước về đầu tư cho nông nghiệp, nông dân.

Thứ hai là đáp ứng theo điều kiện Nghị định 109. Thứ ba là, vùng Đồng Tháp Mười là vựa lúa của quốc gia, khu vực tôi chọn xây dựng nhà máy thuộc xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, không những nơi đây có sản lượng lúa lớn nhất tỉnh, mà vòng vòng các xã huyện lân cận, các tỉnh kế bên cũng là những vựa lúa lớn của đồng bằng sông Cửu Long, kể cả lúa của Campuchia cũng đi ngang qua nhà máy của tôi, người ta gọi đây là rốn lúa của Việt Nam.

* Lần đầu đứng trước vùng đất trũng mênh mông nước, ông có cảm thấy nản lòng không?

- Không, vì tôi đã quyết tâm. Hơn nữa, như đã nói chính sách, thủ tục giấy tờ ở Đồng Tháp rất thông thoáng nên tôi triển khai dự án rất thuận lợi.

Một động lực nữa khiến tôi cũng rất tự tin và quyết tâm vì hiện nay Chính phủ cũng như tỉnh Đồng Tháp đang đầu tư cho Tháp Mười rất lớn từ cơ sở hạ tầng giao thông đến tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, liên kết.

Đồng thời theo nhiều người nhận định, đầu tư vào các ngành công nghiệp khác, thì đã vào lúc ngành công nghiệp hoàng hôn. Còn lĩnh vực lúa gạo, cá nhân tôi cho rằng, mới chỉ là ngành công nghiệp buổi sáng mặt trời mọc.

* Thực tế, có nhiều doanh nghiệp từng đến các tỉnh lập dự án kinh doanh nhưng mục đích là để giữ đất, chờ cơ hội sẽ bán, liệu ban đầu đến Đồng Tháp trình kế hoạch kinh doanh lúa gạo, ông có bị lãnh đạo tỉnh nghi ngại điều này không?

- Bao nhiêu năm nay, con đường kinh doanh của tôi là tập trung chuyên sâu ngành nghề đang kinh doanh, khi tôi cần mở rộng nhà máy thì mua đất để đầu tư, giá đất lên xuống tôi cũng không quan tâm.

Tôi không đầu cơ bất động sản, kế hoạch sản xuất bao nhiêu thì mua đất làm nhà máy đủ theo yêu cầu sản xuất. Từ xưa đến giờ, tôi chỉ làm vừa sức của tôi.

Ví dụ, nhà máy của tôi hiện nay chỉ 6ha, nếu tôi có mục đích “xí đất”, mua để đầu cơ thì hiện nay tôi có thể mua tới 600ha cũng được. Nhưng như đã nói, tôi là người làm kinh doanh thực sự theo khả năng và đúng cái tâm của mình nên tôi thuyết phục được ban lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.

Cũng có thể ngày đầu cũng có người nghi ngại tôi “xí đất”, nhưng chỉ hơn một năm, nhìn thấy công ty lúa gạo Cẩm Nguyên với nhà máy xay xát gạo và hệ thống kho xây dựng quy mô nên địa phương càng tin tưởng, ủng hộ vì họ thấy tôi nói và làm thật.

* Cũng có rất nhiều người đề cập đến chuyện làm thương hiệu cho gạo Việt Nam, nhưng nói thì dễ, thực hiện không đơn giản, vậy kế hoạch của ông để xây dựng thương hiệu gạo cho Việt Nam nói chung và Cẩm Nguyên nói riêng như thế nào, thưa ông?

- Muốn thương hiệu tốt thì phải có chất lượng tốt. Đầu tiên mình phải hợp tác với nông dân, quan tâm và hỗ trợ họ, từ giống, phân bón, kỹ thuật, từ lúc họ trồng lúa đến lúc thu hoạch để người nông dân mang cái tâm thực sự đến hợp tác với mình.

Có như vậy, khi gặt lúa, bán lúa cho mình, họ không trộn thứ khác vô, hạt gạo của mình mới đồng đều về chất lượng. Song, quan trọng nhất vẫn là giống, muốn hạt gạo ngon thì phải có giống lúa tốt nên tôi phải chọn giống lúa rất kỹ rồi sau đó đưa cho bà con nông dân trồng.

Khi lúa đem vào nhà kho xay xát mình cũng phải làm nghiêm chỉnh, đúng theo các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, như tiêu chuẩn ISO, HACCP.

* Ông dự định đặt tên cho thương hiệu gạo của Cẩm Nguyên là gì?

- Không phải dự định mà tôi đã chọn tên rồi, đó là thương hiệu gạo Kim Trường Xuân, nhận diện thương hiệu do Singapore thiết kế.

alt

Tại sao tôi đặt tên này, vì Trường Xuân là tên địa phương, nơi Cẩm Nguyên đặt nhà máy sản xuất ra hạt gạo này. Ngoài ra, khi dịch ra tiếng Hoa, tiếng Hàn, tiếng Nhật thì rất có ý nghĩa.

Kim nghĩa là vàng, Trường nghĩa là trường thọ, Xuân là thanh xuân. Nghĩa là ai ăn gạo Kim Trường Xuân cũng tốt, cũng trẻ mãi. Thương hiệu này được Ban lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp rất ủng hộ.

* Sau chất lượng, kế hoạch đầu ra cho gạo Kim Trường Xuân như thế nào? Hiện đã có hợp đồng thu mua nào được ký kết chưa và thị trường nào được ông nhắm đến và cho là tiềm năng?

- Tuy lúa gạo Cẩm Nguyên mới chỉ làm hai năm nay nhưng tôi rất tự tin để sản xuất và có ưu thế cả đầu vào và đầu ra.

Đầu vào thì tôi có giống lúa tốt, máy móc tối tân, có đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật nhiều năm kinh nghiệm về nông nghiệp, lúa gạo.

Còn đầu ra thì tôi hoàn toàn tự tin với các mối quan hệ đối tác, khách hàng ở nhiều nước, đặc biệt tôi có rất nhiều bạn trong cộng đồng người Hoa ở các nước hỗ trợ tôi trong việc phát triển kinh doanh, có nhiều người bạn từ học phổ thông đến nay kết nối được rất nhiều đối tác và khách hàng.

Mới đây, trường tôi kỷ niệm 100 năm, tôi và rất nhiều bạn cũ đã cùng về dự. Một trăm năm qua, nhiều thế hệ học sinh từ ngôi trường này đã trưởng thành đi làm ăn khắp các châu lục và vẫn giữ kết nối với nhau để giao thương nên số lượng bạn bè, khách hàng là người Hoa của tôi rất đông đảo.

Đến thời điểm này, tôi đã có khá nhiều đơn đặt hàng rồi và thị trường tôi nhắm đến vẫn là các nước châu Á.

* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này.

 

Ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp:

- Tôi rất ủng hộ chương trình này và cho rằng, đây là một chương trình đã đánh đúng vào điểm yếu của ngành sản xuất lúa gạo tỉnh ĐồngTháp, cũng như tháo gỡ được sự bế tắc trong bài toán cung cầu lúa gạo của tỉnh Đồng Tháp.

* Khi triển khai dự án này, tỉnh có chính sách hỗ trợ gì cho Cẩm Nguyên và các DN đầu tư có mô hình tương tự không, thưa ông?

- Với việc đầu tư cơ sở vật chất nghiêm túc và tham vọng mang lại sự hỗ trợ cho người nông dân của Cẩm Nguyên, chúng tôi cũng đang nỗ lực hỗ trợ để đơn vị nhanh chóng có giấy phép xuất khẩu gạo.

Nhà nước phải có hỗ trợ chung cho DN có chuỗi đầu tư khép kín như Cẩm Nguyên, vì vậy UBND tỉnh đang kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ cho DN, cũng chính là hỗ trợ cho người nông dân.

Vì đây là mô hình kinh doanh của một DN không phải là thương mại bình thường nữa mà là DN đã đầu tư trực tiếp cho nông dân thông qua cơ sở vật chất của mình.

* Có thể nói mô hình của Cẩm Nguyên là mô hình mới, điển hình của Đồng Tháp, vậy ngoài sự hỗ trợ về chính sách, tỉnh Đồng Tháp cũng có những chia sẻ cụ thể nào để giúp DN lường trước những rủi ro khi đầu tư vào mô hình như Cẩm Nguyên không, thưa ông?

- Rủi ro đầu tiên là nếu DN đầu tư lớn nhưng lại không đủ nguyên liệu vì nông dân đang đứng trước hai lựa chọn. Một là họ sẽ chờ đến mùa có thương lái mua giá cao thì họ bán, mùa sau tính tiếp, hai là hợp tác với một DN dài hạn.

Mặt khác, khi DN đã đầu tư căn cơ thì phải tính đường dài, có thể mùa này giá không được như thị trường nhưng lúc nào giá đầu ra của người nông dân cũng phải ổn định.

Đây là rủi ro của DN và đã có DN gặp rủi ro rồi nên chúng tôi đang ủng hộ DN bằng cách phối hợp với các địa phương để phối hợp lại kênh hợp tác. Nói cho người nông dân hiểu được giá trị khi họ liên kết bền chặt với DN.

Có thể lúc đó, anh chỉ an tâm sản xuất, còn bao tiêu đã có người lo cho anh rồi. Và theo tôi, chương trình hỗ trợ của Cẩm Nguyên là rất khả thi vì có sự gắn chặt với bà con nông dân.

Hơn nữa, chương trình này không chỉ hỗ trợ nông dân trữ lúa chờ giá, Cẩm Nguyên còn có những bước đi tiếp theo để hỗ trợ nông dân như đầu tư vào nông thôn thông qua các dịch vụ đầu tư cho hợp tác xã ( HTX), và HTX sẽ trở thành người vận chuyển lúa gạo cho DN, như vậy thì lợi nhuận HTX nhiều hơn. Và người nông dân ngoài sản xuất lúa cũng có thể tham gia vào HTX để có thêm lợi nhuận từ chuỗi cung ứng.

 


 

Theo DNSG

 

 

 

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Tâm huyết vì thương hiệu gạo Việt

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc