top-banner-2

Thứ hai, 14/06/2021, 07:53 GMT+7

PGS.TS Nhà giáo ưu tú Phan Bích Hà: Cái duyên khó dứt với nghề ‘trồng người’

Viết bởi Lam Yên   
Thứ hai, 14/06/2021, 07:53 GMT+7

Chưa từng nghĩ sẽ chọn nghề “đưa đò”, ấy vậy mà chớp mắt, người phụ nữ này đã dành cả cuộc đời để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nghệ thuật và phát triển nền điện ảnh nước nhà với bao thế hệ học trò đã sang sông. PGS.TS Nhà giáo ưu tú Phan Bích Hà là một người lái đò thầm lặng như thế suốt quãng đường xa xôi từ quá khứ cho đến hôm nay.

Phó giáo sư – Tiến sĩ – Nhà giáo ưu tú Phan Bích Hà sinh tại Hà Nội trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng và điện ảnh. Cô tốt nghiệp hạng ưu với tấm bằng đỏ chuyên ngành Điện Ảnh Học khoa Biên kịch – Lí luận – Phê bình tại Trường Điện ảnh Quốc gia Liên Bang Xô Viết – Matx-cơ-va. Một thời gian sau khi đầu quân về giảng dạy trường Điện Ảnh Việt Nam tại TP.HCM, cô Phan Bích Hà được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Lí Luận Phê Bình Sân Khấu Điện Ảnh. 16 năm sau, cô được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 2006, cô Bích Hà bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Năm 2007, cô được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM. Năm 2012, cô Bích Hà được phong học hàm Phó Giáo sư và trở thành Phó Giáo sư đầu tiên của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM.

hinh-2-pnqn

MC Mai Thu Huyền và PGS.TS Nhà giáo ưu tú Phan Bích Hà

Cái duyên khó dứt với nghề “trồng người”

Đi ngược với định hướng của gia đình, Phan Bích Hà đỗ vào khoa Tổng Hợp Văn (Đại học Văn Khoa Hà Nội) với số điểm cao và được chọn đưa sang Nga học tập. Tại đây, Phan Bích Hà một lần nữa thử sức thi vào ngành điện ảnh và tiếp tục đỗ khoa B Biên kịch – Lí luận – Phê bình (Trường Điện ảnh Quốc gia Liên Bang Xô Viết – Matx-cơ-va).

Sau hơn 7 năm học tập tại quê người, Phan Bích Hà trở về Việt Nam mang theo thành tích học tập hạng ưu và công tác tại Cục Điện Ảnh. Một thời gian sau, cô kết hôn rồi theo chồng vào miền Nam sinh sống.

“Lúc ấy, ba tôi đang làm việc ở trong Nam. Tình cờ trong một cuộc họp gặp thầy Hiệu trưởng trường Điện Ảnh Việt Nam tại TP.HCM thì được biết trường đang rất cần giảng viên. Thật sự, tôi vẫn không thích nghề giáo nhưng vì ba động viên cứ thử một lần xem, nếu thích thì gắn bó còn không thích thì làm nghề khác”, cô Phan Bích Hà kể.

 TAP 2 PNQN14

Cô Phan Bích Hà đã gắn bó với nghề giáo suốt 30 năm.

Ngay khi vừa nhận lời về trường, cô Phan Bích Hà đã xung phong sang giảng dạy cho trường Nghệ thuật quân đội Campuchia. Mặc dù vừa kết hôn và tình hình nước bạn cũng bất ổn, nhưng sẵn cái nhiệt huyết tuổi trẻ vẫn đang cháy rực, cô Phan Bích Hà không chút đắn đo cho quyết định này: “Tôi chẳng nghĩ gì chỉ biết thích được đi đến một vùng đất mới và càng nguy hiểm thì càng thấy thú vị”.

Hình ảnh học trò Campuchia người thêu khăn, người múa để gửi tặng các cô trong giây phút chia tay đã chạm đến trái tim cô giáo trẻ. Tình cảm đẹp của học trò như cơn mưa tưới mát tâm hồn người giáo viên từng chẳng chọn con đường này là lẽ sống và cô Phan Bích Hà đã yêu cái nghề “đưa đò sang sông” từ dạo ấy. Cho đến tận hôm nay, khi nhắc về kí ức đẹp đã đưa mình đến với nghề giáo trên sóng chương trình Phụ Nữ Quyền Năng, đôi mắt PGS.TS Nhà giáo ưu tú Phan Bích Hà vẫn ánh lên niềm hạnh phúc về cái nghề quá đỗi tốt đẹp và thiêng liêng này.

Mọi áp lực sẽ qua đi khi ta chạm đến thành quả

Là người chỉ muốn lan tỏa năng lượng tích cực, cô Bích Hà luôn tự đối mặt với những khó khăn, áp lực trong công việc thay vì chia sẻ với gia đình và bạn bè: “Nhiều việc với đàn ông khó 100 thì với phụ nữ sẽ khó 1000. Trước những dư luận không đúng, tôi cũng cảm thấy rất đau khổ, thương tổn. Đôi khi áp lực quá không chịu nổi thì tôi về nhà đóng cửa khóc một mình và sáng mai lại đứng thẳng dậy tiếp tục xông vào công việc”.

 TAP 3 PNQN14

Bao thế hệ học trò đã thành người, thành tài nhờ bàn tay dạy dỗ của người giáo viên nhân dân này

Trong suốt hành trình giảng dạy và giữ cương vị Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, cô Phan Bích Hà tâm sự đã có lúc muốn buông hết những trọng trách lớn lao và chỉ đi dạy như một cô giáo bình thường. Thời điểm cô Phan Bích Hà làm đề án đưa trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM trở thành trường Đại học chính là giai đoạn khiến bản thân cô không ít lần yếu lòng như thế. Tuy nhiên, ngay lúc nội tâm giằng xé nhất ấy, một lần nữa sự ấm áp của học trò, đồng nghiệp lại tiếp lửa cho cô Bích Hà mạnh mẽ đứng dậy và bước tiếp đến mục tiêu của mình.

Mang một tình yêu lớn với cái nghề mình đã chọn và ngôi trường mình đang giảng dạy, cô Bích Hà đã dành cả cuộc đời của một nhà giáo cần mẫn, thầm lặng cống hiến, vun đắp để mọi thứ tốt hơn sau bao thăng trầm cứ thế đến và đi. Và thật, sau cơn mưa trời lại sáng, mọi áp lực sẽ qua đi khi chúng ta nhìn thấy thành quả của nó.

Gác lại sự nghiệp lớn lao đằng sau cánh cửa nhà, như bao người phụ nữ khác, cô Phan Bích Hà cũng vun vén hạnh phúc cho tổ ấm nhỏ cùng chồng là kĩ sư xây dựng với hai con hiện đang du học tại Pháp và Hà Lan. Cô Bích Hà chia sẻ ông xã chính là mối tình đầu của mình và cả hai gặp gỡ khi đang học tại Nga. Cô may mắn có được người bạn đời dù không làm cùng một lĩnh vực, thậm chí ngành nghề trái ngược hoàn toàn nhưng cả hai vẫn đồng điệu về tâm hồn.

 hinh-1-pnqn

Trong hôn nhân, cô Bích Hà cũng là một người phụ nữ luôn biết cách vun vén cho tổ ấm của mình.

Khi MC Mai Thu Huyền hỏi về cách giữ lửa hôn nhân suốt hơn 30 năm, cô Bích Hà hóm hỉnh chia sẻ: “Trong cuộc sống gia đình, hai người ở hai phương trời, hai nền giáo dục khác nhau nên khi về ở cùng với nhau chắc chắn không tránh khỏi xung đột. Khi tranh cãi phải có một người lùi bước thì mọi thứ mới êm đẹp. Từ ngày trẻ, lúc vẫn còn quyền lực, khi mới yêu tôi nói với anh nếu để sống với nhau, từ nay về sau em có lỗi thì anh phải xin lỗi em mới được. Từ đấy về sau cứ cãi nhau thì bao giờ anh ấy cũng xin lỗi trước và giữ được lửa cho đến bây giờ”.

Một chia sẻ vui nhưng cho chúng ta thấy rằng, trong bất cứ một mối quan hệ nào, đặc biệt là hôn nhân, để có thể giữ cho sợi dây kết nối ấy không bị đứt thì luôn cần có sự vị tha, bao dung và nhẫn nhịn. Hẳn ai cũng sẽ có cá tính, cái tôi của riêng mình nhưng nếu mối quan hệ ấy thật sự xứng đáng để gìn giữ thì một chút nhún nhường sẽ mang đến sự ấm êm.

Chương trình Phụ Nữ Quyền Năng phát sóng định kì hàng tuần trên các kênh Thuần Việt (18h30 thứ 6), FBNC (20h thứ 7, 17h10 Chủ nhật, 17h30 thứ Ba, 13h20 thứ Năm), HiTV (20h30 thứ 7, 17h30 thứ Ba và 20h30 thứ Năm) hoặc xem lại tập 14 tại đây:

 

* Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

PGS.TS Nhà giáo ưu tú Phan Bích Hà: Cái duyên khó dứt với nghề ‘trồng người’

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc