CEO đi xuyên khủng hoảng |
Thứ ba, 23/07/2013, 16:38 GMT+7 | |
Làm lãnh đạo ngân hàng liên doanh với 2 lần đối tác ngoại phá sản, lập nhà băng cổ phần đầu tiên theo quy chế mới bất thành vì chính sách thay đổi… số phận không dành sự dễ dàng cho CEO của Ngân hàng Bảo Việt.
Tốt nghiệp Đại học Tài chính, chàng trai Phan Đào Vũ được phân vào làm việc tại Vụ Tín dụng Thương nghiệp (khi đó gọi là Ngân hàng Thương nghiệp) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP HCM. Chỉ trong vài tháng đầu tiên, Vũ đã gây được ấn tượng mạnh với cấp trên sau buổi đảm nhận công việc thư ký cho một cuộc họp lớn của toàn miền Nam được tổ chức tại TP HCM. Biên bản viết tay với đầy đủ các ý kiến, đề xuất, kết luận… của các thành viên tham dự được cậu sinh viên mới ra trường thực hiện một cách xuất sắc khiến cả những vị lãnh đạo có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành cũng ngạc nhiên. Sau sự kiện này, Vũ được đặc cách phân công vào bộ phận tổng hợp, chuyên viết chế độ chính sách cho hoạt động tín dụng. Đây là nơi vốn dành cho những cán bộ có kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, chứ chưa từng xuất hiện sinh viên mới ra trường. Say mê nghiên cứu và rất xông xáo trong việc tìm hiểu thực tế cho vay thu mua lương thực ở Đồng bằng Sông Cửu Long vốn là mảng dụng nóng bỏng nhất thời kỳ đó, Vũ được đánh giá rất cao về nghiệp vụ. Một cán bộ trẻ 22 tuổi, mới vào nghề nhưng thường xuyên được cử đi hỗ trợ các đoàn nghiên cứu, thanh kiểm tra về khảo sát tình hình cho vay thương nghiệp ở khu vực phía Nam. Có lần, một đoàn công tác cấp cao của Ngân hàng Trung ương về kiểm tra tại An Giang, và Vũ cũng được cử đến hỗ trợ nghiệp vụ. Hôm đó, Vũ ăn mặc kiểu thanh niên trông hơi hippie khiến vị trưởng đoàn cứ trố mắt nhìn. Ông này không thể tin nổi là một cậu trai trẻ măng như vậy lại được chỉ định để giúp đỡ đoàn thanh tra toàn thành viên cấp cao, làm những điều tra quan trọng… Tuy nhiên, vị trưởng đoàn cũng nhã nhặn nói với Vũ: “Chắc có sự nhầm lẫn. Đoàn thanh tra đã đủ người rồi, cháu ạ!”. Lúc đó, tài năng trẻ của Văn phòng Ngân hàng Nhà nước phía Nam chợt hiểu… Năm 1984, Vũ ra Hà Nội và vẫn làm việc tại Vụ Tín dụng Thương nghiệp của Ngân hàng Trung ương. Tương tự như ở phía Nam, anh là cán bộ trẻ nhất của vụ. Chỉ một thời gian ngắn, Vũ giành được sự tin cậy cao của các lãnh đạo, những chuyên viên có bề dày kinh nghiệp tài vụ. Anh là cán bộ trẻ hiếm hoi của Ngân hàng Trung ương lúc đó được tham gia các buổi họp góp ý quan trọng về chế độ chính sách với thống đốc, phó thống đốc và các vụ trưởng… Vũ cũng là thành viên trẻ tuổi nhất của Vụ Tín dụng Thương nghiệp từ khi gia nhập vụ năm 1980, cho đến lúc chuyển đổi mô hình tổ chức, cơ cấu lại thành Vụ Tín dụng vào năm 1988. Trong quá trình soạn thảo các văn bản chế độ, anh trở thành người đầu tiên đưa ra và chứng minh được công thức tính nợ quá hạn trong cho vay luân chuyển. Trước đó, ngân hàng chỉ xác định được nợ quá hạn đối với cho vay từng lần. Với vay luân chuyển cho các đơn vị kinh doanh thương nghiệp thời kế hoạch hóa tập trung, do không thấy rõ thời hạn từng khoản vay nên cũng không tính được nợ quá hạn. Điều này đã tồn tại từ hàng chục năm trước đó với sự trăn trở của nhiều chuyên gia kỳ cựu ngành ngân hàng. Một bước ngoặt lớn xảy ra năm 1990 khi Vũ vào lại TP HCM để gia nhập một công ty liên doanh lần đầu tiên tổ chức thanh toán thẻ tín dụng VISA tại Việt nam. Vũ cùng các đồng nghiệp triển khai thành công việc giới thiệu, phát triển mạng lưới chấp nhận thẻ (merchants) và tổ chức thanh toán thẻ tín dụng tại thị trường TP Hồ Chí Minh. Năm 1991, khi Indovina Bank – ngân hàng liên doanh đầu tiên tại Việt Nam được thành lập, Vũ được tuyển chọn làm Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự, mà tiếng Anh chưa tốt. Ở vị trí phải liên tục giao tiếp với các đồng nghiệp nước ngoài, viết memo bằng tiếng Anh, Vũ rất vất vả trong những ngày đầu vì hạn chế về tiếng Anh của mình. Từ vị trí “ngôi sao đang lên”, anh giống như một “người rừng” ở môi trường mới. Điều này cộng với nhân tố là dân “Bắc Kỳ”, Phan Đào Vũ không nhận được mối thiện cảm từ các đồng nghiệp khác tại ngân hàng lúc đầu. Cũng vì thế, anh phải thực hiện những nỗ lực vượt bậc để khẳng định mình và chiến thắng sự tự ti về khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Trong vài tháng đầu, dù nói tiếng Anh còn kém nhưng các memo của Vũ gần như hoàn hảo. Ít người biết rằng, để có được những bản memo đó, anh phải viết đi viết lại và hỏi thêm ý kiến của thầy giáo tiếng Anh. Với năng khiếu ngoại ngữ đặc biệt, tiếng Anh của Vũ đã tiến bộ nhanh chóng. Chỉ sau một năm làm việc tại Indovina Bank, anh đã có thể làm điều phối viên các hội nghị, hội thảo bằng tiếng Anh, phiên dịch cho các phiên họp Hội đồng quản trị cũng như đoàn công tác cấp cao của ngân hàng nước ngoài làm việc với các cơ quan Chính phủ. Sự khẳng định của Vũ về khả năng làm việc đã thực sự chinh phục được các đồng nghiệp cả trong và ngoài nước tại đây. Năm 1992, anh được cử ra Hà Nội làm phó giám đốc và sau đó trở thành giám đốc chi nhánh… Năm 1997, Phan Đào Vũ trở thành ủy viên hội đồng quản trị, rồi phó tổng giám đốc thứ nhất – người đại diện vốn của phía Việt nam trong ngân hàng liên doanh từ đầu năm 1998. Thế nhưng, vào đúng năm ông Vũ trở thành người điều hành chính tại ngân hàng này thì đối tác nước ngoài trong liên doanh gặp khó khăn nghiêm trọng trong cơn khủng hoảng tài chính Đông Á (1998-1999). Năm đó, lên máy bay sang Indonesia để họp hội đồng quản trị, tân Phó tổng giám đốc thứ nhất giật mình khi đọc báo thấy tin đối tác nước ngoài của Indovina Bank là Bank Dagang National Indonesia đã tuyên bố phá sản. Tới ngân hàng đối tác, ông Vũ thấy người dân đến xếp hàng dài trước cửa chờ rút tiền… Trước đó, Indovina Bank đã từng một lần thay đối tác cũng bởi phía nước ngoài phá sản.Trong nước, các đối tác và khách hàng biết tin cũng ào ào rút tiền. Lúc đó, nhà băng này đã có tổng tài sản lên tới 100 triệu USD và dư nợ khoảng 90 triệu USD. Đây là cuộc thử lửa lớn đầu tiên của ông Vũ trên cương vị người điều hành chính của ngân hàng. Indovina trải qua thời kỳ hết sức khó khăn về thanh khoản. Ông Vũ và đồng nghiệp phải vật lộn đối phó trước sự rút tiền của hàng loạt khách hàng. Chỉ có ông và một số ít đồng sự nắm được khó khăn thực sự khi tiền trên các tài khoản nostro ở nước ngoài có những khi không đủ để đáp ứng một khoản rút tiền nhỏ. Lúc đó, ông Vũ và vài đồng nghiệp không thể chia sẻ hay tiết lộ cùng ai bởi sự hỗ trợ từ các ngân hàng đại lý cả trong và ngoài nước đã khép lại. Trong 3 tháng, với nỗ lực thu hồi nợ trước hạn để giữ vững thanh khoản, ngân hàng đã kéo được dư nợ tín dụng giảm 80% và duy trì sự ổn định tới đầu năm 2000 khi có đối tác nước ngoài mới. Trong hai năm 1998 - 1999, bất chấp sự đổ vỡ của đối tác, cộng với sụt giảm qui mô do phải giảm quá nhanh dư nợ, Indovina Bank vẫn có lãi dù không nhiều. Đây được coi là điều rất khó tin đối với những người quan tâm đến Indovina Bank lúc đó. Trước khủng hoảng tài chính 1998-1999, Indovina Bank luôn nằm trong danh sách những ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam. Sau khi có đối tác mới, Indovina nhanh chóng phục hồi và trở lại vị trí ngân hàng hàng đầu những năm sau đó. Tuy nhiên, sau 16 năm gắn bó với Indovina Bank, ông Vũ quyết định đi tìm thách thức lớn hơn - thành lập một ngân hàng cổ phần mới theo lời mời của những nhà sáng lập. Sau 7 tháng chuẩn bị (kể từ tháng 3/ 2007), ông đã tuyển được đội ngũ nhân sự hơn 80 người cho Ngân hàng thương mại cổ phần Công nghiệp Việt Nam gọi tắt là INBank. Bên cạnh đó, ông Vũ cũng hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất cho hội sở chính, dự án ngân hàng lõi Core Banking, dự án thẻ ATM, hệ thống nhận diện thương hiệu. Đặc biệt, vị CEO này đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức theo mô hình hiện đại, vận hành theo nguyên tắc quản lý tập trung. Tuy nhiên, INBank đã không được cấp phép vì chủ trương của Chính phủ không cho phép một số tập đoàn nhà nước đầu tư góp vốn thành lập ngân hàng. Tháng 10 năm 2008, sau khi kết thúc công việc với ban trù bị thành lập INBank, ông Vũ trở thành Tổng giám đốc của Ngân hàng cổ phần Bảo Việt ngay khi ngân hàng này được cấp phép. Thế nhưng, số phận dường như lại muốn thử thách ông Vũ. BAOVIET Bank ra đời và đi vào hoạt động đúng vào lúc khó khăn nhất của nền kinh tế trong cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến sứ mệnh mới của ông Vũ vô cùng thách thức. Dù khởi đầu trong thời buổi khó khăn, nhưng ngay trong năm đầu hoạt động 2009, ngân hàng đã kinh doanh có lãi, với tổng tài sản đạt 7.300 tỷ đồng trên vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, mức mà hầu hết các nhà băng cổ phần trước đó phải mất mười năm hoặc hơn mới có thể đạt được. Năm 2010, BAOVIET Bank lại nhân gần gấp đôi tổng tài sản, lợi nhuận so với 2009 trong điều kiện phải đầu tư lớn về cơ sở vật chất để phát triển mạng lưới (tăng lên 26 chi nhánh) và dầu tư nhiều vào công nghệ. Đặc biệt, hoạt động trong giai đoạn khủng hoảng nhưng nhà băng này giữ được chất lượng tin dụng ở mức tốt với việc không phát sinh nợ xấu. Năm 2011, ông Vũ và hội đồng quản trị tiếp tục đặt mục tiêu thách thức hơn cho BAOVIET Bank với việc tăng gấp đôi tất cả các chi tiêu đã thực hiện được trong năm trước để đạt được qui mô tổng tài sản 25.000 tỷ đồng sau ba năm hoạt động. Vào lúc rảnh rỗi, CEO của BAOVIET Bank thường dành thời gian cho môn golf. Ông thích golf bởi nó giúp rèn luyện thể lực và khả cân bằng trong mọi trường hợp, sự chính xác, tính trung thực và nuôi dưỡng niềm hy vọng. “Nếu bạn nổi cáu khi gặp chuyện không vừa ý, thì ngay sau đó bạn sẽ không thể đánh tốt, golf buộc người chơi phải rèn luyện sự cân bằng trong mọi tình huống . Thêm vào đó, golf luôn gieo vào lòng người chơi hy vọng ngày hôm sau sẽ đánh tốt hơn cho dù hôm nay đã đánh rất tốt hay rất tệ, điều này tạo ra đức tính luôn mong muốn hoàn thiện của mỗi người”, ông Vũ tâm sự. Bên cạnh công việc, ông Vũ có một niềm tự hào lớn về gia đình với vợ là một người bạn đồng môn và đồng nghiệp ngân hàng, cùng hai cậu con trai học giỏi và thành đạt. Con trai lớn của ông đã từng đoạt giải học sinh giỏi toán-văn toàn quốc, sau đó theo học và tốt nghiệp chuyên nghành tài chính của Đai học Kinh tế London (LSE), một trong những trường về kinh tế-tài chính hàng đầu thế giới. Với kết quả học tập xuất sắc và khả năng làm việc tốt trong thời gian thực tập, chàng trai này đã được nhận vào làm việc (đến nay đã được hai năm) ở bộ phận Investment Banking tại sở chính của HSBC tại London. Con trai thứ hai của ông Vũ đang theo học chuyên nghành kinh tế của Trường Đại học Warrick – cũng là một trong những trường danh tiếng hàng đầu tại nước Anh. “Đó là những tài sản và niềm tự hào lớn nhất của tôi”, CEO của BAOVIET Bank tâm sự. Theo dddn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|