top-banner-2

Thứ sáu, 02/03/2018, 08:09 GMT+7

19 tuổi, gọi được vốn 2,8 triệu USD nhờ chế tạo ra drone bay nhanh nhất thế giới

Viết bởi Nam Anh   
Thứ sáu, 02/03/2018, 08:09 GMT+7

Chiếc Drone tự lái và có thể được điều khiển chỉ bằng điện thoại iPhone.

Anh chàng này tin rằng chiếc Drone (Thiết bị bay không người lái) mà mình chế tạo ra thực sự là một cuộc cách mạng khi nó được trang bị trí tuệ nhân tạo có khả năng nhận diện khuôn mặt và tìm kiếm chủ nhân của mình ngay giữa đám đông. Không chỉ vậy, nó còn có thể giúp cảnh sát tìm kiếm trẻ em bị lạc, giúp các chủ trang trại theo dõi đàn gia súc của mình, các chủ tòa nhà có thể kiểm tra mọi góc phía bên ngoài tòa cao ốc…

Tóm lại là nó có thể được sử dụng cho rất nhiều mục đích và tạo nên cuộc cách mạng tương tự như những gì mà iPhone của Apple đã làm với những chiếc điện thoại di động.

Matus-va-chiec-drone-nhanh-nhat-the-gioi-vhdn

Anh chàng được nói đến ở đây chính là George Matus và chỉ khoảng 1 năm trước, chàng trai tuổi teen này đã nhờ cha chở tới gặp một nhà đầu tư nhằm kêu gọi vốn cho sản phẩm Drone mà mình phát triển bởi cậu ta… chưa có bằng lái xe.

Hiện tại, Matus đã là Founder kiêm CEO của công ty Teal chuyên về lĩnh vực thiết kế và sản xuất Drone. Số tiền đầu tư mà anh chàng này kêu gọi ban đầu chỉ có 2,8 triệu USD và sau một thời gian hoạt động, Teal đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư lớn khác khiến Matus mở rộng tầm nhìn của mình hơn nữa và hi vọng rằng sẽ có thể tiếp tục huy động được số vốn khoảng 20 triệu USD trong năm tới.

Để giới thiệu thêm về công ty của mình, Matus đã cùng một số nhân viên đưa người viết tới công viên để trải nghiệm thử Teal Sport, một sản phẩn Drone mới của công ty.

"Đây là cách tôi thư giãn hàng ngày." Matus nói khi điều khiển chiếc Drone mang tên Sport của công ty.

Sport hiện đang được coi là một sản phẩm tiên phong của Teal trong thị trường Drone toàn cầu. Mức giá bán lẻ của sản phẩm Drone này là từ 499 đến 799 USD và hiện nó được coi là sản phẩm Drone có tốc độ nhanh nhất trên toàn thế giới khi có thể đạt được vận tốc bay tới 130 km/h. Ngoài ra thì Sport còn có thể nhận diện và được điều khiển bằng giọng nói thông qua Siri của iPhone. Rất nhiều đơn hàng đã được đặt ngay sau khi Sport được trình làng trong tháng 06 năm 2017 vừa qua, đủ để thấy được sức hút mà nó mang lại với tín đồ công nghệ trên toàn thế giới.

Để trình diễn quá trình sử dụng Sport, Matus đeo một chiếc kính mang tên FPV, thực chất là một thiết bị cung cấp góc nhìn người thứ nhất, truyền hình ảnh trực tiếp từ chiếc Drone. Thiết bị này sẽ giúp Matus trải nghiệm được cảm giác như đang bay cùng chiếc Drone của mình vậy.

Ngay sau khi được thả ra, chiếc Drone bay vút lên bầu trời, trình diễn những màn bay lượn cho tới khi Matus bấm nút tạm dừng, chiếc Drone lại bay lơ lửng chờ đợi ngay phía trên anh chàng. "Trông nó thật bình thản phải không? Nó thật giống với con người của tôi." Matus nói.

Niềm đam mê bay lượn và kiếm tiền từ khi còn nhỏ

Bố mẹ của Matus gặp nhau trên một chuyến bay, mẹ anh chàng lúc đó là tiếp viên hàng không, còn bố anh ta thì vừa mới tốt nghiệp trường kinh doanh. Sau khi kết hôn, mẹ của Matus vẫn tiếp tục công việc tiếp viên hàng không và cũng nhờ thế mà Matus có điều kiện để dạo chơi quanh các buồng lái, đặt những câu hỏi đầy ngô nghê cho các phi công về chuyến bay của họ. Nhờ thế mà niềm đam mê bay lượn cũng đã hình thành trong tâm trí Matus từ khi còn là một đứa trẻ.

Bên cạnh niềm đam mê với bay lượn, Matus còn bộc lộ bản năng của một doanh nhân từ rất sớm. Cũng giống như biết bao đứa trẻ khác, Matus cũng tập tành bán nước chanh giải khát nhưng anh chàng nhận ra rằng nước chanh là loại giải khát chỉ bán được vào mùa hè. Và cứ thế, trong khi tất cả bạn bè đồng trang lứa vẫn hài lòng với số tiền bán nước chanh ít ỏi kiếm thêm được từ các kì nghỉ hè thì Matus mở bán thêm cả Chocolate nóng để kiếm thêm tiền cả trong mùa đông.

Một ngày nọ, một khách hàng lạ mặt xuất hiện và đề nghị mua toàn bộ số chocolate nóng của Matus với giá 60 USD. Cậu bé vui mừng và nhanh nhảu dọn sạch hàng quán, bỏ tất cả vào phía sau xe của ông khách đi tới xưởng sản xuất nơi mà cậu nhóc phục vụ chocolate nóng cho các công nhân đang làm việc. Người bạn này thực chất chính là bạn của bố mẹ Matus mà cậu nhóc không hề hay biết và sau "thương vụ" này, cậu bé 10 tuổi đam mê kinh doanh Matus đã bị bố mẹ cấm túc 2 tháng vì dám lên xe đi cùng người lạ.

Một thời gian sau, gia đình Matus chuyển tới vùng ngoại ô của San Diego và sống ngay gần một công viên. Lúc này, Matus đã xin bố mẹ mua cho một chiếc máy bay điều khiển từ xa và rồi bố của cậu nhóc đã vô tình làm hỏng nó trong chuyến bay đầu tiên. Matus đã khóc rất nhiều nhưng chỉ một thời gian sau, cậu nhóc đã tự tiết kiệm tiền và mua những bộ phận thay thế để tự sửa lại chiếc máy bay này. Đây cũng chính là khoảng thời gian đầu tiên khi mà Matus tìm hiểu về cấu tạo của những chiếc máy bay điều khiển từ xa. Thậm chí sau đó, Matus còn tự mình "độ" lại những chiếc máy bay điều khiển từ xa và đã có một lần, Matus "độ" lại chiếc máy bay trực thăng đồ chơi của mình, khiến nó có thể bay ngược và rồi quay video lại để up lên youtube.

Niềm đam mê với những chiếc máy bay đồ chơi còn khiến Matus biến cả căn phòng ngủ thành một phòng thí nghiệm thu nhỏ và tại đây, chiếc máy bay trực thăng đồ chơi đã được cậu nhóc này chế lại để có thể bay với tốc độ 160 km/h trong suốt 2 giờ đồng hồ. Kết quả đáng nể này đã giúp Matus chiến thắng giải chế tạo Drone quốc tế diễn ra tại 3 quốc gia là Đức, Nhật và Nga khi cậu nhóc này mới chỉ có 14 tuổi.

Đến năm 16 tuổi, Matus tiếp tục hoàn thiện bản thân và theo học lập trình để tiến xa hơn với ước mơ chế tạo Drone của mình. Những nỗ lực của Matus đã giúp cậu nhóc thu hút sự chú ý của Peter Thiel, nhà đồng sáng lập của Paypal và mang về cho cậu nhóc 100,000 USD đầu tư đầu tiên.

Với số tiền này, Matus đã lập nên công ty Teal chuyên về thiết kế, chế tạo Drone. Cái tên Teal được đặt dựa trên loài chim mòng (Teal), một trong những loài chim bay nhanh nhất trên thế giới nhằm thể hiện ước mơ chế tạo ra được những chiếc Drone nhanh và linh hoạt nhất của Matus. Ngay sau khi thành lập công ty Matus tiếp tục nhận được 150,000 USD đầu tư từ người bạn của thầy hiệu trưởng ngôi trường mà cậu đang theo học.

19 tuổi, gọi được vốn 2,8 triệu USD nhờ chế tạo ra drone bay nhanh nhất thế giới  - Ảnh 2.

Nhưng bước tiến thực sự của Teal chỉ được mở ra khi Matus tới gặp Ben Lambert, thuộc công ty đầu tư Pelion. "Ban đầu khi nhìn thấy đây chỉ là một cậu nhóc, tôi đã nghĩ gần như chắc chắn tới việc từ chối. Nhưng khi cậu ta bắt đầu thuyết trình, tôi gần như quên mất rằng đây chỉ là một cậu nhóc 17 tuổi. Tôi ngay lập tức nhận ra rằng tầm nhìn của cậu nhóc còn lớn hơn rất nhiều so với những chiếc Drone mà cậu ta mang tới giới thiệu cho tôi." Ông Lambert cho biết.

Cuối cùng thì trong ngày sinh nhật thứ 18 của mình, Matus đã có được thỏa thuận góp vốn trị giá 2,8 triệu USD với Pelion.

Tuy vậy nhưng khi nói về khoản góp vốn này, Matus cũng cho biết rằng nó cũng mang lại khá nhiều điều bất tiện cho cuộc sống của anh chàng. Đầu tiên đó là ràng buộc về việc sử dụng vốn khi mà Pelion sẽ chỉ giải ngân trước 1 triệu USD. Và với tuổi đời còn quá trẻ thì anh chàng Matus của chúng ta sẽ chỉ có thể được quyết định những khoản chi tiêu lớn hơn 25,000 USD dưới sự đồng ý của ban quản trị.

Quy mô của công ty tăng lên cũng là lúc Matus trở nên bận rộn và ít có thời gian dành cho những mối quan hệ gia đình, bạn bè hơn. "Năm vừa rồi thực sự có quá nhiều thăng trầm, có những thứ thành công trong ngày hôm trước nhưng hôm sau đã lại trở thành một thất bại ê chề. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng vẫn không đủ sức để làm mất đi sự lạc quan trong tôi." Matus cho biết.

19 tuổi, gọi được vốn 2,8 triệu USD nhờ chế tạo ra drone bay nhanh nhất thế giới  - Ảnh 3.

Ngoài ra thì khi mô hình công ty được mở rộng, Matus lại phải học hỏi thêm rất nhiều trong công tác quản trị. "Tôi bắt đầu khi mà mình chẳng có chút kinh nghiệm gì với việc xây dựng mô hình kinh doanh cả mà chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm nên chắc chắn sẽ còn rất nhiều thứ tôi phải học thêm trong một vài năm tới."

Hiện tại, Teal của Matus đã có hơn 20 nhân viên, bao gồm cả một cựu phi công người Úc hỗ trợ kiểm tra các sản phẩm của công ty. Sự thành công của anh chàng 19 tuổi, đam mê chế tạo Drone này thực sự đã trở thành động lực để giúp những bạn trẻ khác trên thế giới vững tin hơn trên con đường theo đuổi ước mơ của mình.

Theo Thế Anh - ttvn.vn - 01/03/2018

Link nguồn: http://ttvn.vn/kinh-doanh/19-tuoi-goi-duoc-von-28-trieu-usd-nho-che-tao-ra-drone-bay-nhanh-nhat-the-gioi-5201813133857587.htm


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

19 tuổi, gọi được vốn 2,8 triệu USD nhờ chế tạo ra drone bay nhanh nhất thế giới

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc