24 điều ít người biết về Warren Buffett |
Viết bởi ducanh |
Thứ ba, 23/05/2017, 10:02 GMT+7 |
Buffett không có máy tính trên bàn làm việc. Ông sử dụng điện thoại nắp gập thay vì điện thoại thông minh... Với khối tài sản ròng cá nhân hơn 70 tỷ USD, Warren Buffett hiện là người giàu thứ nhì trên thế giới, chỉ sau người bạn thân Bill Gates. Tuy nhiên, đối với những người biết rõ về Buffett, thành công của nhà đầu tư huyền thoại có lẽ không phải là điều khiến họ ngạc nhiên: ông biết chọn cổ phiếu để mua từ năm 11 tuổi và đến năm 16 tuổi đã tích lũy được số tiền tương đương 53.000 USD ngày nay. Dưới đây là 24 sự thật không phải ai cũng biết về Buffett mà trang Business Insider điểm qua: Khi các bạn cùng lớp ở trường tiểu học còn mơ về những giải đấu thể thao lớn và kinh đô điện ảnh Hollywood, cậu bé Buffett 10 tuổi đã dùng bữa trưa với một thành viên của Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và đặt ra những mục tiêu cuộc đời. Sự nghiệp đầu tư lẫy lừng của Buffett bắt đầu bằng một cuộc gặp vào năm ông lên 10 khi cậu bé cùng cha tới thành phố New York. Bữa trưa với một thành viên NYSE đặt ra trong đầu Buffett trẻ một ý tưởng về tổ chức cuộc đời mình xung quanh tiền bạc. Buffett mua cổ phiếu lần đầu tiên vào năm 11 tuổi. Khi đó, ông đã mua cổ phiếu của công ty Stities Service Preferred với giá 38 USD/cổ phiếu. Trong ảnh là ngôi nhà thời thơ ấu của Buffett. Khi Buffett 10 tuổi, ông đã kiếm được khoảng 175 USD/tháng, nhiều hơn cả thầy cô giáo của ông, và hầu hết người lớn khi đó. Ông đã làm cùng lúc một số công việc, bao gồm việc giao báo Washington Post. Năm 16 tuổi, Buffett đã tích lũy được số tiền tương đương 53.000 USD ngày nay. Giao báo chỉ là một trong những công việc kinh doanh mà Buffett nhỏ tuổi tham gia. Ông còn bán bóng golf và tem, đánh bóng xe hơi, mở một quán chơi trò chơi, và biến một sân đua ngựa thành một sân chơi để thu lợi nhuận. Buffett từng bị Trường Kinh doanh Harvard từ chối. Trước đó, ông tin tưởng mình đã thành công trong cuộc phỏng vấn đầu vào của ngôi trường danh giá này và nói với một người bạn: “Hãy vào Harvard cùng tớ nhé!” “Khi đó, tôi trông khoảng 16 tuổi, và có cảm xúc như một đứa trẻ lên 9”, Buffett nhớ lại cuộc phỏng vấn trực tiếp. Buộc phải tìm một trường khác, Buffett chọn Đại học Columbia, ngôi trường chỉ đòi hỏi đơn xin học viết tay và không yêu cầu phỏng vấn. Buffett đã bị thần tượng từ chối trong lần đầu tiên xin việc. Ban đầu, Buffett muốn làm việc cùng thần tượng của ông, tác giả cuốn “The Intelligent Investor” (tạm dịch: “Nhà đầu tư thông minh”), Benjamin Graham (bên trái ảnh). Tuy nhiên, Graham đã từ chối Buffett vì Buffett không phải là người Do thái. Mặc dù vậy, Buffett vẫn kiên trì thúc đẩy các ý tưởng của Graham, và cuối cùng đã được Graham nhận vào làm. Buffett từng chi 100 USD để theo học một khóa phát biểu trước đám đông của Dale Carnigie. Khi đó, Buffett 21 tuổi và rất ngại nói trước đám đông. Số tiền mà ông chi ra cho khóa học cuối cùng đã trở thành một khóa đầu tư đáng giá, vì những gì mà ông học được từ khóa học này đã giúp ông cầu hôn người vợ đầu tiên. Hiện nay, Buffett vẫn sống trong một ngôi nhà khiêm tốn với 5 phòng ngủ ở Omaha, Nebraska. Đây là ngôi nhà ông mua vào năm 1956 với giá 31.500 USD. Nếu ai đó muốn trở thành hàng xóm của “nhà tiên tri xứ Omaha”, có thể cân nhắc mua ngôi nhà đối diện bên kia đường với giá khoảng 2,15 triệu USD. Buffett không có máy tính trên bàn làm việc. Ông sử dụng điện thoại nắp gập thay vì điện thoại thông minh (smartphone). Tuy nhiên, trên giá sách của ông có một cuốn từ điển bách khoa toàn thư. Thực ra, Buffett mới chỉ có một lần gửi e-mail duy nhất trong đời, cho Jeff Raikes của Microsoft. Việc “xa lánh” công nghệ giúp Buffett có thời gian cho trò chơi bài. Ông chơi bài bridge 12 tiếng mỗi tuần, và đã nhiều lần chơi với Bill Gates. 80% thời gian trong ngày của Buffett dành cho việc đọc sách. Khi không chơi bài bridge, Buffett lại đọc sách. “Tôi chỉ ngôi trong văn phòng và đọc cả ngày”, ông cho biết. Mỗi ngày, Buffett uống một lượng Coca-Cola nhiều tới mức đáng báo động. Nhà đầu tư huyền thoại nổi tiếng là một người ăn uống không lành mạnh. “Tôi nạp vào cơ thể 2.700 calo mỗi ngày, trong đó 1/4 là Coca-Cola. Tôi uống ít nhất 5 lon, ngày nào cũng thế”, ông tiết lộ. Ngoài ra, Buffett còn thường xuyên ăn kem để thay cho bữa sáng. 99% tài sản của Buffett được ông kiếm sau tuổi 50.
Trong số các huyền thoại đầu tư như David Einhorn và Walter Schloss, Buffett có thành tích “thắng” thị trường lừng lẫy hơn cả.
Một khoản đầu tư 1.000 USD vào cổ phiếu tập đoàn Berkshire Hathaway của Buffett vào năm 1964 hiện có trị giá khoảng 13 triệu USD.
Giá trị tài sản ròng của Buffett còn lớn hơn cả tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Uruguay. GDP năm 2014 của Uruguay là hơn 57 tỷ USD.
Nổi tiếng với lối sống tiết kiệm, nhưng Buffett rất hào phóng khi làm từ thiện. Năm 2010, ông cùng với vợ chồng Bill Gates đưa ra The Giving Pledge, sáng kiến đề nghị những người giàu nhất thế giới hiến tặng phần lớn tài sản cho từ thiện. Đến tháng 6/2016 đã có khoảng 154 cá nhân siêu giàu tham gia sáng kiến này, bao gồm các tỷ phú như Michael Bloomberg, Mark Zuckerberg, Larry Ellison... Số tiền mà Buffett hiến tặng cho từ thiện đến nay đã lên tới gần 30 tỷ USD, nhiều thứ nhì thế giới, chỉ sau số tiền làm từ thiện của Bill Gates.
Năm 2013, Buffett kiếm trung bình mỗi ngày 37 triệu USD, nhiều hơn số tiền mà nữ minh tinh Hollywood Jennifer Lawrence (ảnh) kiếm trong cả năm đó. Vào tháng 7 năm nay, Buffett tự phá kỷ lục làm từ thiện của chính ông khi một lúc hiến tặng 2,9 tỷ USD cho nhiều quỹ từ thiện, bao gồm quỹ The Bill and Melinda Gates Foundation của vợ chồng Bill Gates, và quỹ Susan Thompson Buffett Foundation - quỹ đặt tên theo người vợ đầu đã quá cố của ông. Buffett được cho là chỉ nhận lương khoảng 100.000 USD mỗi năm ở Berkshire Hathaway và chi tiêu số tiền này một cách dè sẻn. Nhiều người hâm mộ Buffett đến nỗi sẵn sàng chi hàng triệu USD để ăn trưa với ông ở nhà hàng Smith & Wollensky. Buffett đã đấu giá bữa trưa với ông từ năm 2000 và dành toàn bộ số tiền thu được để làm từ thiện. Bữa trưa với Buffett mới đây nhất được bán với giá 3.456.789 USD. Buffett không coi tiền bạc đồng nghĩa với thành công: “Tôi đo sự thành công bằng số người yêu mến tôi. Cách tốt nhất để được yêu mến là trở thành một người đáng được yêu mến”. Theo vneconomy Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|