Margaret Thatcher nổi tiếng và mang tiếng |
Thứ sáu, 12/04/2013, 11:46 GMT+7 |
Cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher là một trong những chính khách đặc biệt nhất ở nước Anh và trên thế giới trong thế kỷ 20. "Người đàn bà thép", như biệt danh mà một tờ báo của Nga đã gán đặt cho bà, đã qua đời ở tuổi 87 sau một cơn đột quỵ. Bà Thatcher rời khỏi chính trường năm 1990 và từ đó mai danh ẩn tích phần vì hết thời và phần vì mắc căn bệnh mất trí nhớ. Nhưng 11 năm cầm quyền với 3 lần thắng cử ở nước Anh đủ để người phụ nữ này để lại di sản chính trị cũng có một không hai ở nước Anh, đủ để làm thay đổi rất cơ bản cả nước Anh. Con người nổi tiếng này cũng là nhân vật gây tranh cãi nhiều nhất ở nước Anh thời hiện đại, bị mang tiếng cũng không ít, được nể phục và cũng bị ghét bỏ. Quan điểm chính sách của bà Thatcher đã làm phân rẽ cả chính trường lẫn nội bộ xã hội nước Anh. Cho nên cũng không có gì là khó hiểu khi cái chết của bà Thatcher gây ra phản ứng dư luận rất khác nhau ở Anh, có tiếc nuối và buồn thương thật đấy nhưng cũng lại có cả tâm trạng hoan hỉ và nhẹ nhõm. Học thuyết chính sách riêng "Học thuyết Thatcher" hay cũng còn được gọi là "Chủ nghĩa Thatcher" không chỉ đơn thuần là một khái niệm mà còn có thể được coi là sự khái quá hoàn hảo nhất về thời kỳ cầm quyền của bà Thatcher ở Anh. Học thuyết này trong thực chất thù địch với vai trò của nhà nước và đề cao đến mức cuồng tín thị trường tự do, thu hẹp như có thể được vai trò của nhà nước và tăng cường như có thể được thị trường tự do và xã hội dân sự tự chủ, kết hợp đạo đức chuyên chế với chủ nghĩa cá nhân về kinh tế, chấp nhận bất công xã hội và coi thị trường lao động có khả năng tự điều tiết như mọi thị trường khác, thu hẹp nhà nước phúc lợi xã hội xuống chỉ còn ở mức "bảo hiểm xã hội", đề cao chủ nghĩa dân tộc truyền thống, coi việc bảo vệ môi trường sinh thái chỉ là mục tiêu phụ và không cần phải ưu tiên, thực dụng trong chính trị thế giới và chống chủ nghĩa cộng sản quyết liệt. Thời bà Thatcher cầm quyền ở Anh là thời kỳ nước Anh thay đổi gần như hoàn toàn về mọi phương diện và thời kỳ đặc thù cho cái gọi là "mối quan hệ đặc biệt" giữa Anh và Mỹ bởi bà Thatcher cùng với tổng thống Mỹ thủa đó là Ronald Reagan tạo nên "cặp bài trùng" cũng thuộc diện độc nhất vô nhị trên chính trường thế giới. Với học thuyết nói trên, bà Thatcher đã phá bỏ hoàn toàn sự đồng thuận ở Anh về một hình thái xã hội mà tất cả các giai cấp và giai tầng cùng nhau phát triển, chia đất nước, chính trường và xã hội thành phe hữu và phái tả, phân loại người dân trên đảo quốc thành diện người giàu có và kẻ chẳng có gì. Khủng hoảng kinh tế trầm trọng ở Anh và sự bế tắc chính sách của Công đảng Anh đã tạo ra thời cơ cho bà Thatcher lên cầm quyền ở Anh năm 1979. Thất bại của các thời chính phủ thuộc Đảng Bảo thủ Anh và 4 năm làm thủ lĩnh phe đối lập trước đó đã đưa bà Thatcher đến với nhận thức là không thể thay đổi được thực trạng tồi tệ ở nước Anh bằng những biện pháp hời hợt và cục bộ, mà phải làm một cuộc cách mạng thực sự và phải chấp nhận trả giá đắt về chính trị và xã hội. Những biện pháp chính sách được bà Thatcher thực hiện sau khi lên cầm quyền vừa quá quyết liệt lại vừa có phần thái quá so với nhận thức chung đương thời. Sự can thiệp của nhà nước vào thị trường bị giảm đi để tăng tính tự do cho thị trường, tư nhân hoá được thúc đẩy bất chấp vì thế mà không ít trung tâm công nghiệp của nước Anh dần trở thành chẳng khác gì bảo tàng ngoài trời về lịch sử công nghiệp, kỷ cương ngân sách được siết chặt bất chấp vì thế mà phúc lợi xã hội bị cắt giảm mạnh mẽ, sự kiểm soát thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng dần bị dỡ bỏ, chống lạm phát và cải cách thị trường lao động được ưu tiên, quyền lực của các tổ chức ngân hàng bị bào mòn và quân đội Anh được tăng cường vũ trang và hiện đại hoá. Những biện pháp chính sách ấy cũng thể hiện cung cách của bà Thatcher đối phó với ba thách thức lớn nhất trong 11 năm cầm quyền là cuộc đình công của thợ mỏ, khủng hoảng kinh tế năm 1981 và cuộc chiến tranh với Argentina về chủ quyền đối với quần đảo Malvinas/Falkland. Công bằng mà nói thì nhờ có những biện pháp chính sách ấy mà nước Anh đã thay đổi cơ bản theo hướng hiện đại hoá, khôi phục lại được sức mạnh kinh tế và vị thế quân sự trên thế giới cũng như tự tin hơn trong EU. Không ít quan điểm chính sách của bà Thatcher vẫn được tiếp tục vận dụng ở nước Anh cho tới tận ngày nay. Mặt trái của thành công Không phải chỉ ở thời ấy mà ngay đến tận bây giờ vẫn không thể phủ nhận được thành tựu cầm quyền của bà Thatcher ở nước Anh. Nhưng mặt trái của những thành tựu ấy cũng lại bộc lộ ngày càng rõ những tác động và hệ luỵ tiêu cực đối với chính nước Anh. Nước Anh ngày càng biệt lập hơn chứ không liên kết hài hoà và chặt chẽ hơn vào EU. Cái gọi là "chủ nghĩa bảo thủ kiểu Anh" ngày càng thêm thịnh cả trong đối nội lẫn về đối ngoại. Việc tư nhân hoá triệt để không phải thành công trong tất cả các trường hợp. Nền công nghiệp của nước Anh tuy phục hồi nhưng không phải đã khắc phục được mọi yếu kém. Cắt giảm chi tiêu cho các mục tiêu xã hội đã ảnh hưởng nặng nề đến mức độ phúc lợi xã hội, đến giáo dục và y tế ở nước Anh, sự phân hoá giữa giàu và nghèo, giữa vùng miền bắc nghèo và vùng miền nam giàu trở nên ngày càng sâu sắc hơn, nạn thất nghiệp trầm trọng thêm, việc đề cao quá mức trách nhiệm của cá nhân và thị trường tự do đã gây ra không ít mất cân đối và méo mó trên thị trường và trong nội bộ xã hội. Không ít vấn đề về kinh tế, tài chính và xã hội cũng như an ninh và đối ngoại mà nước Anh hiện đang gặp phải đều có nguồn gốc sâu xa từ thời kỳ cầm quyền của bà Thatcher, đặc biệt và điển hình nhất là việc thả lỏng cho thị trường tự tung tự tác. Cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công ở nhiều thành viên EU trong mấy năm gần đây có một trong những nguyên nhân chính từ những chính sách được thực hiện theo Học thuyết Thatcher. Mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Anh cũng như giữa cá nhân ông Reagan và bà Thatcher trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước là một trong những tác nhân rất quyết định tới những biến động xảy ra trên thế giới ở thời kỳ đó, đặc biệt là sự tan rã của Liên Xô. Cả hai đều rất thực dụng trong cuộc đối đầu về ý thức hệ và tung hứng lẫn nhau để cùng có vai trò nổi trội. Bà Thatcher là nữ thủ tướng đầu tiên ở Anh, nơi được coi là thánh địa của quan điểm bảo thủ, mà lại nhanh chóng chứng tỏ ngang tài ngang sức với các chính trị gia đàn ông trong mọi diễn đàn chính trị khu vực và thế giới. Điều đó có tác động cũng không nhỏ tới nhận thức của mọi người trên thế giới về khả năng và vai trò của phụ nữ nói chung và trong chính trị nói riêng. Sẽ không công bằng nếu phủ nhận tác động của việc này tới nỗ lực của phụ nữ nói chung trên thế giới muốn tự khẳng định mình và để được công nhận cả trên chính trường. Có một câu nói của bà Thatcher xác lập sự tự tin đó: "Trong chính trị,, nếu muốn nghe nói thì bạn hãy hỏi đàn ông, còn nếu muốn thấy việc được thực hiện thì hãy hỏi phụ nữ". Theo dddn.com.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|