Nữ CEO công nghệ 72 tuổi Fran Craig: Gừng càng già càng cay |
Viết bởi An An |
Thứ tư, 05/08/2015, 17:07 GMT+7 |
Fran Craig, 72 tuổi, vẫn đang miệt mài lãnh đạo công ty công nghệ Unanet của mình để tạo ra những ứng dụng máy tính chuyên biệt cho các công ty đang làm ăn với chính phủ. Trong khi nhiều người ở độ tuổi của bà đã về hưu hoặc đang tận hưởng tuổi già yên ả cùng với con cháu thì Fran Craig, 72 tuổi, vẫn đang miệt mài lãnh đạo công ty công nghệ Unanet của mình để tạo ra những ứng dụng máy tính chuyên biệt cho các công ty đang làm ăn với chính phủ. Unanet chuyên bán những ứng dụng chạy trên web như lịch làm việc, báo cáo chi phí, và các chương trình quản lý thời gian, giúp cho các doanh nghiệp thanh toán chi phí với nhà nước dễ dàng hơn. Nói cách khác, họ bán tất cả những thứ tuy nhàm chán nhưng rất quan trọng mà bạn cần phải có để làm một nhà thầu. Khách hàng của bà gồm có “đại gia” lĩnh vực quốc phòng General Dynamics, nhà sản xuất thức ăn cho thú cưng Blue Buffalo, đại học Johns Hopkins, đại học Stanford, trung tâm nghiên cứu Woods Hole, công ty an ninh mạng Telos, và K12, một công ty về giáo dục trực tuyến. Craig là CEO của Unanet, với tổng doanh thu hàng năm gần 20 triệu USD. Dưới trướng của bà hiện có hơn 70 nhân viên đang chịu trách nhiệm phục vụ cho hơn 1.000 khách hàng. Bà được xem là “hàng hiếm” trong lĩnh vực điện toán đám mây và là đối thủ đáng gờm của những công ty đình đám đến từ thung lũng Silicon như Workday và NetSuite. Trong khi các đối thủ huy động được hàng chục triệu USD từ những nhà đầu tư mạo hiểm thì bà lại xây dựng công ty của mình theo cách “lỗi thời”: thế chấp căn nhà ở Fairfax County để lấy 250.000 USD để trang trải. Nhờ vậy hiện bà đang sở hữu phần lớn công ty mình - với 65%, phần còn lại là của các nhân viên. Doanh nghiệp của bà được xây dựng dựa theo hai mô hình doanh thu. Mô hình thứ nhất đòi hỏi khách hàng mua phần mềm về cài trên máy, cứ hễ ai muốn sử dụng thì phải trả phí ‘giấy phép’. Mô hình thứ hai cho phép khách hàng đăng ký theo quý và sau đó được phép sử dụng phần mềm dựa trên công nghệ đám mây của Unanet. Craig không tiết lộ công ty bà kiếm được bao nhiêu lợi nhuận nhưng cho biết hiện công ty không còn mắc nợ bất kì ai. Các nhân viên của bà hiện có mức lương từ 50.000 đến 300.000 USD/năm, kèm theo những phúc lợi khác. Bà Craig vốn được sinh ra ở Queens, tốt nghiệp hạng ưu ngành toán năm tại đại học St. Mary’s, bang Indiana, và khởi đầu với công việc của một lập trình viên tại AT&T. Cha bà mất sớm do vậy bà thường giúp đỡ mẹ về tiền bạc. Là một lập trình viên đời đầu nhưng cơ hội để nữ giới trở thành CEO thời đó là rất hạn chế, do vậy bà rời công ty chỉ sau hơn hai năm. “Tôi nghĩ là tôi có thể làm tốt hơn ở một nơi khác,” bà nhớ lại. Sau đó, bà làm việc cho trung tâm máy tính tại đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh vào năm 1971. Ở đây, bà lập nên một nhóm nhân viên nữ mà nhiều người trong số này trở thành những người tiên phong cho phong trào nữ quyền như Betty Friedan và Gloria Steinem. “Tôi cảm thấy phụ nữ khi ấy không có cơ hội thăng tiến và họ cần được hiểu họ có thể làm tốt hơn như thế nào,” bà cho biết lý do của việc làm trên. Sau khi rời Carnegie Mellon, bà quay trở lại Washington để làm cho một công ty công nghệ khác. Nhưng bà vẫn muốn tách ra làm ăn riêng. “Tôi quyết định rằng mình phải làm gì đó hơn là chỉ làm công ăn lương. Tôi muốn làm lãnh đạo,” bà cho biết. Thế là bà cho ra đời công ty Computer Strategies vào năm 1988. Nhiệm vụ của Computer Strategies là giúp các công ty khác cài đặt máy tính, quản lý các dịch vụ cơ bản, thiết lập và bảo trì các mạng nội bộ, giúp cho các doanh nghiệp của họ tiến dần vào thời đại kĩ thuật số. Khách hàng của công ty bà rất đa dạng, từ gã khổng lồ ngành dược Merck đến nhà tiên phong trong lĩnh vực viễn thông MCI. “Khi ấy tôi không biết mình đang làm gì. Chúng tôi thật sự gặp nhiều khó khăn,” bà hồi tưởng lại. Thế là bà học cách bán sản phẩm và dịch vụ của mình: mỗi ngày bà ngồi 8 tiếng tại bàn làm việc và gọi điện thoại cho các khách hàng tiềm năng. Bà cũng đã thuê nhiều nhân viên toàn thời gian nhưng sau đó quyết định cắt bớt vì cuối cùng bà đã định hình được những gì mình cần làm. Năm 1998, bà biến công ty mình thành công ty chuyên cung cấp sản phẩm phần mềm, như các lịch làm việc trên web. Khách hàng của bà chỉ việc đăng nhập và điền vào các lịch làm việc của họ. “Đó là một điều giúp ‘thay đổi cuộc chơi’ đối với chúng tôi. Mọi người giờ đây không cần phải có mọi thứ. Họ có thể tìm thấy chúng trên website của chúng tôi,” bà nói. Sau đợt vỡ bong bóng công nghệ, công ty bà, khi ấy có tên mới là Unanet, tập trung vào phục vụ những nhà thầu của chính phủ. Sự kiện đáng nhớ nhất có lẽ là vào năm 2004 khi họ đã đánh bại các đối thủ lớn để dành được hợp đồng “khủng” với công ty viễn thông L3 Communications. Suốt 10 năm qua, tăng trưởng doanh thu hàng năm của công ty luôn ở mức khoảng 20%. Các sản phẩm của công ty bà cũng ngày một tốt hơn. Vậy đâu là những bài học của bà suốt 30 năm làm chủ doanh nghiệp? “Hãy luôn nắm quyền kiểm soát trên 50% chuyện kinh doanh. Trong công ty đầu tiên của mình, tôi đã không có được điều này. May mắn thay, đối tác và tôi đã đồng ý ‘chia tay’ một cách êm đẹp,” bà trả lời không do dự. Ngoài ra bà cũng có một số lời khuyên khác: - Đừng vội thuê ai đó làm nhân viên ăn lương chính thức “Hãy cho họ làm việc dưới dạng hợp đồng. Bằng cách này, nếu mọi chuyện không được thuận lợi, bạn sẽ không làm cho tình hình tệ hơn vì phải ‘dính’ trách nhiệm trả lương. Tôi đã thuê quá nhiều nhân viên chính thức trong công ty đầu tiên nhưng họ không mang lại hiệu quả và chúng tôi đã gặp những vấn đề tài chính nghiêm trọng.” - Việc bán hàng là rất quan trọng Mối quan hệ có được là gắn liền với chuyện này. Hãy luôn làm giàu bảng thông tin liên lạc về những khách hàng tiềm năng của bạn. Sau đó hãy giữ liên lạc với những người đó. “Hãy thuê người làm các công tác vận hành để bạn có nhiều thời gian hơn mà bán sản phẩm và dịch vụ của mình. Chúng tôi từng thuê những nhân viên bán hàng thiếu kinh nghiệm nhưng cuối cùng đã thay đổi suy nghĩ đó vào năm 2010 và thuê người có kinh nghiệm hơn. Dĩ nhiên là sẽ tốn kém hơn, nhưng rất ‘đáng đồng tiền bát gạo’.” - Hãy bỏ những bảng đánh giá hiệu suất làm việc “Chúng tôi không có những bảng đánh giá như thế. Chúng tôi chỉ có những buổi phỏng vấn về sự phát triển bản thân theo từng quý. Khi mới làm việc tại Carnegie Mellon, tôi đã phát triển và điều hành một hệ thống các bảng đánh giá hiệu suất. Các nhân viên nam luôn nói họ xứng đáng tốt hơn. Các nhân viên nữ nói họ sẽ làm tốt hơn!” - Hãy khuyến khích sự hợp tác - Hãy khuyến khích sự sáng tạo - Hãy có một vài giải pháp thay thế cho mọi vấn đề, đừng chỉ có một. - Hãy bảo đảm rằng mọi người đều có tiếng nói trong các cuộc họp, thậm chí có thể dùng cách nhắc họ nói. Craig nói rằng bà không quan tâm đến chuyện bán công ty để kiếm tiền. “Tôi thích làm việc, thích gặp gỡ mọi người, thích thấy họ dùng sản phẩm của chúng tôi làm cho doanh nghiệp của họ tốt hơn,” bà nói. Hàng tuần bà vẫn chơi golf vào thứ tư. Thỉnh thoảng bà lại đi nghỉ tại ngôi nhà riêng của mình ở Umbria, Italy, hay đi du lịch đến hồ Tahoe ở Sierra Nevada, giáp ranh với California. Ở tuổi 72 mà bà vẫn đang tiếp tục làm việc có năng suất và duy trì được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống như thế thì thật quá tuyệt vời. Theo ttvn.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|