top-banner-2

Thứ năm, 28/03/2013, 10:39 GMT+7

Gỡ vướng từ khâu thu hồi đất

Thứ năm, 28/03/2013, 10:39 GMT+7

Nhiều DN cho rằng, một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến các dự án (DA), việc triển khai kế hoạch phát triển bị ách tắc hiện nay là do vấn đề thu hồi đất, giá đền bù đất chưa minh bạch.

Do chưa có những quy định cụ thể trong thu hồi, trong đền bù nên mỗi địa phương có những cách thu hồi khác nhau, nhiều địa phương xử lý chưa hợp tình hợp lý

Đó là tổng hợp ý kiến tại hội thảo góp ý của DN phía Nam đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do VCCI chủ trì.

Thu hồi đất thiếu minh bạch

Quyền sử dụng đất là quyền thiết thân của người dân, khi quyền đó bị thu hồi một cách chưa minh bạch thì người dân dễ có những phản ứng nhiều khi rất quyết liệt. Thời gian qua, do chưa có những quy định cụ thể trong thu hồi, trong đền bù nên mỗi địa phương có những cách thu hồi khác nhau, nhiều địa phương xử lý chưa hợp tình hợp lý. Chính quyền một số địa phương sau khi thương lượng, vận động thu hồi quyền sử dụng (QSD) đất không có kết quả, đã áp dụng hình thức “cưỡng chế” thu hồi QSD đất, và một số nơi đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt không đáng có của người bị thu hồi QSD đất.

Ông Phạm Ngọc Hưng - PCT Hiệp hội DN TP HCM chia sẻ, ghi nhận qua các hội nghị, hội thảo của DN TP HCM, hầu hết DN đều cho rằng khi Nhà nước thu hồi đất vì lý do kinh tế là mơ hồ, dễ phát sinh việc thu hồi tùy tiện, thu hồi của cá nhân này chuyển sang cho cá nhân khác, gây kẽ hở cho cá nhân làm giàu bất chính… Luật phải quy định rõ cấp nào mới có quyền thu hồi đất. Hơn nữa, khái niệm giá thị trường trong đền bù, giải tỏa thu hồi đất là mơ hồ.

Chính vì vậy, các DN, LS cho rằng Nhà nước phải ban hành những quy định cụ thể, công khai về những trường hợp thu hồi QSD đất và nên chăng chỉ thu hồi QSD đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng… LS Nguyễn Thị Cam - Cty TNHH Đất Luật nhấn mạnh: Dù thu hồi QSD đất vì lợi ích quốc gia nhưng nên áp dụng hình thức “trưng mua” với ý nghĩa người có QSD đất có nghĩa vụ bán cho Nhà nước QSD đất đó. Còn LS Phan Thông Anh, Cty Luật Vina, UVTT Liên đoàn LS VN thì cho rằng việc cưỡng chế thu hồi đất cũng phải ghi rõ trong luật, trường hợp nào thì cưỡng chế, cưỡng chế như thế nào…

Mắc mớ giá thị trường

Nhiều DN cho biết từ nhiều năm nay, việc đầu tư của DN bị khó khăn, phức tạp và kéo dài do rất nhiều DA không thỏa thuận được giá đền bù theo khái niệm “giá thị trường”. Do chưa rõ ràng khái niệm giá thị trường nên mỗi địa phương đã áp dụng giá thị trường khác nhau, linh hoạt ban hành quy định xác định lại giá đất. Nhiều địa phương thực hiện tốt việc định lại giá đất, nhưng có không ít địa phương xảy ra tham nhũng bởi cũng miếng đất đó bỗng tăng giá hàng trăm, hàng chục lần ngay sau sau khi xác định lại giá..

LS Nguyễn Cảnh Hà - Cty TNHH TM- DV An Thiên Lý là một DN có nhiều kinh nghiệm trong đền bù, giải phóng mặt bằng kể: Do giá thị trường không rõ nên đã nhiều năm nay Cty ông luôn bị ách tắc khi thỏa thuận giá đền bù, việc thỏa thuận càng về sau càng khó khăn. LS Hà góp ý: Luật phải xác định giá đền bù rõ ràng, không cho phép áp giá linh hoạt, tùy tiện.

LS Nguyễn Thị Cam cho rằng sở dĩ giá đất được định theo “giá thị trường” nhiều năm nay là do khung - bảng giá đất của Nhà nước không sát thực tế. Nên quy định, giá đền bù là giá phổ biến của loại đất có cùng mục đích sử dụng, tương đương, đã giao dịch chuyển nhượng, đấu giá QSD đất thành công. Đồng tình, LS Phan Thông Anh góp ý, giá đền bù nên là giá thẩm định do các cơ quan, tổ chức thẩm định độc lập mà hai bên chấp nhận.

Thực tế, đóng góp QSD đất vì lợi ích quốc gia là việc mà hầu hết mọi người đều vui lòng với điều kiện là việc đóng góp đó công bằng, công khai, minh bạch thực sự vì lợi ích cộng đồng.

Nhiều điểm mới về thu hồi đất

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định cụ thể các trường hơp thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia.

* Thứ nhất, quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 59), lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (Điều 60), các dự án phát triển kinh tế - xã hội (Điều 61), thu hồi đất do vi phạm pháp luật (Điều 63), thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện (Điều 64) để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương.

* Thứ hai, bổ sung căn cứ thu hồi đất theo từng trường hợp thu hồi đất (Điều 62, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 64) để quản lý chặt chẽ hơn việc thu hồi đất tại địa phương.

* Thứ ba, bổ sung quy định trước khi thực hiện thu hồi đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (khoản 2 Điều 50).

* Thứ tư, sửa đổi thẩm quyền thu hồi đất (Điều 65) theo hướng quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất thay cho UBND cấp tỉnh, huyện như Luật hiện hành nhằm gắn trách nhiệm của người đứng đầu, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại địa phương.

* Thứ năm, bổ sung các quy định để đảm bảo tính khả thi đối với cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện như: Giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất sau khi thu hồi để tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm tạo quỹ đất sạch (Điều 68).

* Thứ sáu, bổ sung quy định về chế tài đối với trường hợp thu hồi đất do chậm đưa đất vào sử dụng như Nhà nước không trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, giá trị đã đầu tư vào đất còn lại đối với người có đất bị thu hồi (điểm h khoản 1 Điều 63)...

 

Theo dddn.com.vn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Gỡ vướng từ khâu thu hồi đất

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc